Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Nông sản bí đầu ra, đừng trách nông dân!

Câu chuyện nông sản bí đầu ra, bị ùn ứ tại cửa khẩu thời gian qua, điển hình là dưa hấu, cũng như hành tím, thanh long… được mùa mất giá, theo đánh giá của đại biểu Lê Như Tiến, trách nhiệm thuộc nhiều ngành. 

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phản ánh tương đối sát thực tế nhưng có phần rất nhiều người đặc biệt là nông dân vẫn lo lắng.

Đầu tiên là vật tư đầu vào không giảm được và sản phẩm đầu ra không tiêu thụ được. Cụ thể như dưa hấu của người dân Quảng Ngãi không tiêu thụ được, trong khi giá bán ngoài thị trường gấp 10 lần so với nông dân bán ra.

“Người dân chỉ bán 2.000 đồng/kg nhưng nhiều nơi bán 18.000 đồng - 20.000 đồng/kg cho người tiêu dùng. Như vậy, vướng mắc ở đây là khâu phân phối trung gian, tiêu hao quá lớn. Cần xem lại khâu phân phối lưu thông, vẫn phải có chi phí trong vận chuyển lưu thông nhưng không thể nhiều đến thế”, đại biểu Lê Như Tiến trăn trở.

Cũng theo ông Tiến, trách nhiệm thuộc nhiều ngành. “Tôi nghĩ đó là cơ quan phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương và ở chừng mực nào đó là cơ quan quản lý về giá”.
 
Nông sản bí đầu ra, đừng trách nông dân!

Đề cập tới bài toán tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng: Tình trạng ùn tắc dưa hấu ở cửa khẩu Tân Thanh sang Trung Quốc hay một số sản phẩm khác, không phải bây giờ mới xảy ra mà đã tồn tại từ nhiều năm nay.

“Tôi khẳng định rằng, với các sản phẩm nông nghiệp mà chúng ta đã có quy hoạch hay có kế hoạch dài hạn thì không xảy ra tình trạng này.

Chẳng hạn như lúa, chúng ta đang duy trì chỉ tiêu diện tích trồng lúa ở mức 3,8 triệu ha/năm, như vậy sản lượng lúa của chúng ta không có chuyện tăng đột biến mà nếu có tăng thì cũng tăng từ từ. Vì thế, chúng ta tương đối chủ động trong tính toán giữa cung cầu và tìm kiếm thị trường.

Tương tự là mặt hàng cà phê, gần như không có tình trạng ách tắc tại các cửa khẩu tiêu thụ, trừ khi năm đó cả thế giới được mùa thì tiêu thụ có thể khó hơn chút ít. Còn vừa rồi tình trạng ách tắc hàng nông sản tại một số cửa khẩu xảy ra với những mặt hàng nông nghiệp không có quy hoạch hoặc có rất lỏng lẻo”, Bộ trưởng Công Thương phân tích.

Theo Bộ trưởng Hoàng, trong thời gian vừa qua, tiêu thụ sản phẩm còn khá nhiều vấn đề. “Vấn đề hết sức quan trọng là phối hợp, hợp tác đồng bộ chặt chẽ giữa các khâu về quy hoạch, về hướng dẫn người nông dân, tìm kiếm thị trường. Chúng ta không thể trách người nông dân được, bởi vì người nông dân vốn dĩ phải vì cuộc sống của người ta bươn chải, thấy cái gì có lợi theo chủ quan của mình thì làm.

Có trách là trách các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó ngành công thương cũng có trách nhiệm. Nhưng mặt khác, với tư cách cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi cũng rất mong người nông dân cần có chủ động hơn, coi trọng những hướng dẫn, tư vấn của các cơ quan quản lý Nhà nước, đừng quá chạy theo mong muốn chủ quan của mình, có khi là sẽ không thành công”.

Trình bày kiến nghị của cử tri tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hôi, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Tình trạng nông dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp (gạo, dưa hấu, hành tây, vú sữa, hành tím, thanh long, vải thiều, cá tra), tình trạng “được mùa, mất giá” và ùn ứ hàng hóa trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp diễn ra ở nhiều nơi, do hiện nay nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu là sản xuất hộ cá thể, việc sản xuất còn theo phong trào, chưa gắn với quy hoạch sản xuất vùng và định hướng xuất khẩu theo nhu cầu và tính chất của thị trường”.

Vì thế, đại diện Mặt trận Tổ quốc đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng có giải pháp hữu hiệu trong việc thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ các hộ nông dân liên kết thành lập các hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 để thực hiện được chức năng nghiên cứu, dự báo thị trường, quy hoạch sản xuất, cung cấp đầu vào cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các hộ thành viên; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và liên kết theo chuỗi giá trị, từ đó nâng cao năng suất lao động nông nghiệp và thu nhập cho nông dân.

“Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất có ý nghĩa để tạo ra sản phẩm sạch và xuất khẩu nông sản, nhưng việc áp dụng còn nhiều khó khăn do người sản xuất phải đầu tư rất tốn kém, tuân thủ các quy định ngặt nghèo; trong khi đó, sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt vẫn được tiêu thụ một cách dễ dàng. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ và tiến tới áp dụng phổ biến, rộng rãi quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt  trên phạm vi cả nước”, ông Nhân nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons