Trình bày báo cáo thực hiện ngân sách Nhà nước 2013 trước Quốc hội chiều 20/5, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt Chính phủ đề nghị duyệt số bội chi 236.769 tỷ đồng, vượt 41.269 tỷ đồng so với mức Quốc hội đã điều chỉnh, bằng 6,6% GDP thực tế.
Số vượt này, theo Chính phủ là do tăng chi từ nguồn vốn ODA (29.422 tỷ đồng) và tăng chi trả nợ quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng (13.190 tỷ đồng) phát sinh năm 2011, nên theo quy định phải tăng mức bội chi ngân sách tương ứng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển. Ảnh: Quochoi.gov.vn
|
Thẩm tra báo cáo này, Uỷ ban Tài chính và Ngân sách cho rằng việc tăng bội chi so với mức báo cáo Quốc hội thể hiện việc chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm.
Dù vậy, cơ quan này đồng tình rằng việc tăng chi trả nợ quỹ hoàn thuế để bảo đảm tính trung thực, minh bạch của quyết toán ngân sách là hợp lý. Do đó, ủy ban đã đề nghị Quốc hội cho quyết toán số tiền này.
Với tăng chi ODA, theo cơ quan thẩm tra, giải ngân tăng nhanh là một kết quả tích cực, thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng và tăng trưởng kinh tế.
"Thế nhưng, việc Chính phủ chưa báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội là chưa phù hợp vquy định của Luật Ngân sách nhà nước. Song đây là số đã phát sinh, do vậy, đề nghị Quốc hội cho phép quyết toán", Ủy ban đề nghị.
Cơ quan thẩm tra cũng đã chỉ ra nhiều điều nghịch lý trong chi ngân sách. "Theo Chính phủ, hầu hết các khoản chi đạt và vượt dự toán. Tuy nhiên, vẫn còn một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán được Quốc hội quyết định, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và gây lãng phí nguồn lực", báo cáo thẩm tra chỉ ra và dẫn chứng: chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề có dự toán 164.401 tỷ đồng nhưng quyết toán chỉ đạt 94,6%; chi sự nghiệp khoa học, công nghệ đạt 85,3% dự toán.
Hay chi chương trình mục tiêu quốc gia năm 2013 là 20.030 tỷ đồng, đạt 111% (tăng 2.216 tỷ đồng) so với dự toán thế nhưng có ba chương trình quan trọng lại không đạt dự toán là y tế (73%), chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (87%) và chương trình khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường (89%).
"Ngoài nguyên nhân do nhiều nhiệm vụ, khối lượng đã thực hiện nhưng chưa đủ thủ tục quyết toán thì nhiều chương trình mục tiêu quốc gia phân bổ và giao vốn quá chậm, một số chương trình tiến độ triển khai chậm, dẫn đến sử dụng ngân sách Nhà nước kém hiệu quả. Hiện tượng sử dụng sai kinh phí, sai đối tượng, sai mục đích, phân bổ vốn không kịp thời, tỷ lệ giải ngân thấp vẫn xảy ra, trong đó một số mục tiêu của chương trình đạt thấp, chưa phát huy hiệu quả", Ủy ban Tài chính Ngân sách chỉ rõ.
Bên cạnh đó, đối với khoản 16.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu, trang thiết bị cho cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư tỷ lệ giải ngân cũng còn thấp. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ có giải pháp phù hợp để bảo đảm giải ngân nguồn vốn này kịp thời, hiệu quả.
Chí Hiếu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét