Kiểm toán Nhà nước vừa công bố báo cáo kiểm toán năm 2014. Liên quan đến xăng dầu, dù đề cập mốc thời gian không mới, song cơ quan kiểm toán cũng phản ánh một phần góc khuất trong điều hành loại hàng hóa "nhạy cảm" này.
Theo đó, trong giai đoạn 2011 - 2013, Kiểm toán Nhà nước nhận định giá trong nước tương đối ổn định, hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người dân. Nhưng riêng đầu năm 2011, chính sách điều hành giá bán xăng dầu và các quyết định trích, sử dụng quỹ bình ổn giá chưa phù hợp, không đảm bảo mục tiêu bình ổn giá, làm chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống an sinh xã hội.
Việc công khai và tuyên truyền thông tin về giá xăng dầu cũng chưa tốt, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Hầu hết các đầu mối nhập khẩu xăng dầu chưa tuân thủ đầy đủ quy định tại Nghị định 84 ngày 15/10/2009, như sản lượng nhập khẩu thấp hơn so với hạn mức, tại một số thời điểm không đảm bảo dự trữ lưu thông 30 ngày, mua xăng dầu của các đơn vị không phải là doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Một số doanh nghiệp quy định giá bán lẻ vùng 2 cao hơn vùng 1 và cao hơn mức giá bán lẻ được quy định.
Trước những sai sót trên, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương kiểm tra và xử lý doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu vì chấp hành không đầy đủ quy định về hạn mức nhập khẩu xăng dầu và dự trữ lưu thông theo quy định. Đồng thời, xử lý các đơn vị mua xăng không phải từ doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu để kinh doanh.
Báo cáo cũng phản ánh nguồn tiền để lại từ dầu thô những năm qua không ổn định, chưa đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư xây dựng các công trình, chương trình trọng điểm quốc gia. Điều này khiến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thiếu chủ động trong thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và thực hiện các mục tiêu chiến lược.
Đến 31/12/2013, Kiểm toán cho biết còn gần 372 tỷ đồng tiền lãi dầu để lại năm 2012 chưa được PVN và Bộ Tài chính quyết toán, số hạch toán năm 2013 cao hơn số được quyết toán 490 tỷ đồng, không tính đến khoản cấp cho 3 dự án của Bộ Quốc phòng chưa làm thủ tục quyết toán 1.546 tỷ đồng. Trường hợp PVN được phê duyệt quyết toán và bù đắp khoản cấp kinh phí cho Bộ Quốc phòng, sẽ dư nguồn và phải thực hiện nghĩa vụ với ngân sách.
Phương Linh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét