Theo báo cáo của Cục thống kê Hà Nội, từ đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn thủ đô tăng 0,46%. Ước tính bình quân 5 tháng, chỉ số này tăng 0,62% so cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chính khiến CPI tháng này tăng là giá xăng được điều chỉnh ngày 5/5 (xăng Ron 92 tăng 1.950 đồng một lít, dầu diesel và mazut giữ nguyên giá) khiến một số nhóm hàng tăng theo, đặc biệt là nhóm giao thông tăng 1,06%. Hôm qua (20/5), giá xăng tiếp tục nhích thêm 1.200 đồng, dầu diesel tăng 500 đồng, song đợt tăng này sẽ được tính vào chỉ số giá tháng 6.
Xăng dầu tăng giá là yếu tố chính tác động tới CPI Hà Nội hai tháng vừa qua. Ảnh: Anh Quân
|
Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng cũng tăng 1,44% so với tháng trước. Việc Hà Nội bắt đầu vào mùa nắng nóng cộng với giá điện tăng thêm 7,5% từ ngày 16/3 đã ảnh hưởng đến tiền điện của các hộ gia đình.
Giá gas thế giới bình quân tháng 5 ở mức 470 USD một tấn, tăng 5 USD so với tháng trước, nên ngay từ đầu tháng giá gas trong nước đã được điều chỉnh. Một số mặt hàng trong nhóm may mặc như vải, quần áo, giấy dép của mùa hè có xu hướng tăng nhẹ.
Ngược lại, nhóm hàng lương thực - thực phẩm giảm giá trong tháng này (giảm 0,43%). Giá các mặt hàng gạo tẻ thường trên địa bàn giảm từ 300-500 đồng một kg nhờ nguồn cung dồi dào, lượng gạo tồn kho tại các tỉnh phía Nam khá lớn. Dự báo các mặt hàng gạo vẫn sẽ giữ giá ổn định trong thời gian tới.
Giá các loại thực phẩm cũng giảm 0,5% so tháng trước. Trong đó, giá thịt lợn dễ chịu do nguồn cung tăng, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu của người dân không biến động. Giá rau, củ cũng hạ nhiệt do thời tiết thuận lợi. Cơ quan thống kê nhận định nhóm hàng này sẽ tiếp tục giảm trong tháng tới.
Giá vàng trên thị trường Hà Nội tiếp tục giảm 0,13% trong tháng, trái chiều với sự gia tăng của giá đôla Mỹ trong hệ thống ngân hàng.
Phương Linh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét