Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành chỉ ra một thực tế rằng, trong khi 30% doanh nghiệp không biết về hội nhập thì tỷ lệ “quan chức” biết về hội nhập còn thấp hơn nhiều.
(Ảnh minh hoạ).
Phát biểu tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong dòng chảy hội nhập FTA thế hệ mới” diễn ra sáng ngày 19/2, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nói: “Với hàng chục hiệp định FTA thế hệ mới, xuất hiện quan điểm Việt Nam đang đứng trước vận hội rất lớn nhưng tôi cho rằng đây cũng là thách thức lớn của dân tộc. Liệu chúng ta có thành nước công nghiệp hay cứ mãi lẹt đẹt tụt hậu?”
"Theo quan điểm của tôi, thời đại hội nhập này để giúp nâng cao cạnh tranh doanh nghiệp và sản phẩm thì vai trò Nhà nước phải thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Năng lực cạnh tranh quốc gia phụ thuộc thể chế, điều kiện hạ tầng xã hội và đào tạo nguồn nhân lực. Ba vấn đề này nằm ngoài tầm của doanh nghiệp và đó là chuyện của Nhà nước”, ông nói.
Chia sẻ quan điểm tại buổi hội thảo, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng chỉ ra một thực tế rằng trong khi 30% doanh nghiệp không biết về hội nhập nhưng tỷ lệ “quan chức” biết về hội nhập còn thấp hơn nhiều.
"Đừng nước đến chân mới nhảy, bước ngoặt của Việt Nam là xu thế, hãy chuẩn bị càng sớm càng tốt, nếu không chỉ có hớt váng. Chúng ta không cần chờ ký Hiệp định mà 3 năm qua, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư thực sự vào Việt Nam để tận dụng cơ hội, hàng tỷ USD vào dệt may và Mỹ có thể trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam. Tất cả các Tập đoàn lớn của Mỹ đã có mặt để điều tra, thăm dò, nên doanh nghiệp hãy chuẩn bị sớm, chạy sớm”, ông Thành khuyến cáo.
Dù vậy, ông Thành cũng khá lạc quan khi cho rằng, so với các nước ASEAN, Việt Nam hội nhập "máu lửa" nhất và trong 5 năm tới Việt Nam sẽ là nước đi trước. Bên cạnh đó, Việt Nam không chỉ đi tiếp với các FTA, mà hay hơn là chuyển nhiều đối tác quan trọng là toàn diện và chiến lược.
Nói về thách thức, TS Trần Du Lịch cho rằng, thách thức lớn nhất với cả khu vực Nhà nước và doanh nghiệp là có tận dụng được thời cơ hay không? Trong giai đoạn 5 năm qua, đặc biệt là giai đoạn có khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp chết nhưng bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp lại phát triển quá mạnh, thậm chí mua, thôn tính doanh nghiệp khác khá dễ dàng.
"Một số doanh nghiệp nói với tôi rằng giai đoạn vừa qua người ta chết thì “em" sống khỏe nhất, mua dự án dễ dàng. Cơ hội và thách thức phụ thuộc vào năng lực mỗi người tận dụng và nắm được thời cơ như thế nào để phát triển. Doanh nghiệp đối diện vấn đề và vượt qua thì mới phát triển được”, ông nói thêm.
Vấn đề đặt ra tiếp theo là làm sao để doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh? Khảo sát 5 năm vừa qua cho thấy, chỉ 3% doanh nghiệp phát triển tốt, còn lại đều "cầm hơi và chết dở sống dở". Nhược điểm đầu tiên là doanh nghiệp kinh doanh làm theo phong trào, sở đoản chứ không có sở trường, yếu trong khâu quản trị và chưa coi trọng yếu tố pháp lý.
“Năm 2013, có doanh nghiệp làm bao bì than vãn không có tiền, đề nghị cứu nhưng truy ra thì là làm bao bì tốt với tăng trưởng lên tới 12%, nhưng đầu tư nhà chung cư, nên làm bao bì không nuôi nổi được. Tức là chết do mình, chạy theo phong trào. Trong 5 năm tới thị trường sẽ tiếp tục thanh lọc doanh nghiệp nếu không làm ăn bài bản”, ông nhấn mạnh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét