Việc đóng cửa một số cửa hàng cũng như thực tế vắng vẻ của vài thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng đang hoạt động tại Việt Nam khiến không ít người đặt ra câu hỏi: Phải chăng thị trường thức ăn nhanh Việt Nam đang đạt đến ngưỡng bão hòa và không còn phát triển ồ ạt như trước?
Tiềm năng vẫn có…
Một khảo sát mới nhất của FT Confidential Research, bộ phận nghiên cứu thuộc tờ The Financial Times của Anh, đã chỉ ra rằng người tiêu dùng Malaysia và Thái Lan ngày càng có chiều hướng giảm mua đồ ăn nhanh. Tuy nhiên, tại Việt Nam thức ăn nhanh dường như vẫn còn nhiều đất diễn. Khảo sát của FT Confidential Research được tiến hành dựa trên việc thăm dò xu hướng tiêu dùng của khoảng 3.000 khách hàng tại 5 quốc gia ASEAN, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam trong 2 năm qua. 2 thương hiệu đồ ăn nhanh phổ biến nhất tại các thị trường ASEAN là KFC và McDonald’s hiện chịu ảnh hưởng nhiều bởi xu hướng giảm đồ ăn nhanh. Nhìn chung, nhu cầu đồ ăn nhanh ở Malaysia, Philippines và Thái Lan đang bão hòa và các thương hiệu đồ ăn nhanh sẽ phải tìm kiếm các thị trường mới, một trong số này là thị trường Việt Nam. FT Confidential Research đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng, bởi tỷ lệ người tiêu thụ đồ ăn nhanh vẫn ở mức thấp trong số 5 nước nói trên.
Sau những giây phút tưng bừng khi mới khai trương, McDonald đang mất dần khách hàng. |
Đó có lẽ cũng là lý do một số thương hiệu thức ăn nhanh đang bắt đầu tìm kiếm các đối tác nhượng quyền để mở rộng độ phủ tại thị trường Việt Nam. Gần đây nhất là thương hiệu thức ăn nhanh Jollibee (Philippines) đã công bố tìm kiếm đối tác nhượng quyền cá nhân tại Việt Nam với mức phí từ 4,5-5 tỷ đồng. Đến nay Jollibee đã có mặt tại Việt Nam được 10 năm và đã có 70 cửa hàng tại nhiều tỉnh, thành. Tuy nhiên, điều khiến không ít người băn khoăn đó là tuy thời gian có mặt tại Việt Nam khá lâu nhưng xét về thị phần, thương hiệu này vẫn nằm sau những cái tên như Lotteria hay KFC… Như vậy các cửa hàng nhận nhượng quyền có dễ trong cạnh tranh và có thể thu hồi vốn sau 3-5 năm hay không? Một cái tên khác trong lĩnh vực thức ăn nhanh, tuy chưa gây được sự chú ý nhiều của người tiêu dùng do mới có 1 cửa hàng tại Việt Nam, nhưng cũng đang tìm đối tác nhượng quyền chính là Don Chicken. Không chỉ thức ăn nhanh mà thị trường ẩm thực, đồ uống… của Việt Nam đang trở thành điểm đến của nhiều thương hiệu ngoại. Theo thống kê của Vụ Thị trường trong nước, trong 8 năm qua vụ này đã cấp phép cho 148 thương hiệu và nhãn hiệu nước ngoài vào Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực nhà hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 43,7%, bao gồm 42 thương hiệu nhà hàng thức ăn nhanh, bánh, cà phê, đồ uống, nhà hàng, lẩu nướng... Theo bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Công ty Bán lẻ & Nhượng quyền châu Á, hiện có khoảng 40 thương hiệu nước ngoài đang tìm đối tác để nhượng quyền khai thác độc quyền tại Việt Nam, trong đó ngành ẩm thực chiếm một số lượng không nhỏ.
Nhưng vẫn khó nhằn
Những tháng đầu năm 2016, thương hiệu thức ăn nhanh Burger King đang thu hút sự chú ý của dư luận do tiếp tục đóng cửa một số nhà hàng. Cụ thể, hồi giữa tháng 2 chuỗi này đã đóng cửa cửa hàng tại số 1B đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TPHCM. Trước đó không lâu, Burger King cũng đóng cửa cửa hàng tại số 134 Cao Thắng (TPHCM). Còn trong năm 2015, chuỗi này cũng đóng cửa 2 cửa hàng, 1 ở TPHCM, 1 ở Hà Nội. Năm 2014 cũng đóng cửa 1 cửa hàng tại Đà Nẵng. Trước nhiều lời đồn đoán Burger King đang gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh tại Việt Nam nên đóng cửa bớt, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, đại diện đơn vị mua nhượng quyền thương hiệu Burger King mang về Việt Nam, khẳng định: “Chúng tôi không đóng cửa hàng đơn thuần mà là dời sang vị trí thuận lợi hơn với nhãn hiệu và hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn, cửa hàng tại số 26-28 Phạm Hồng Thái (TPHCM) do giá thuê cao, bù trừ với doanh số chỉ đủ hòa vốn nên chúng tôi chuyển sang địa điểm khác cách đó 50m mà giá thuê mặt bằng rẻ hơn 50%. Ông cũng cho hay đóng cửa 1 cửa hàng nhưng sẽ mở ra nhiều cửa hàng khác.
Nói đến câu chuyện giá thuê mặt bằng, Burger King một thời gây được sự chú ý nhờ việc trả giá thuê cao hơn nhiều để thuê được những vị trí đắc địa khi mới có mặt ở Việt Nam. Nhưng dường như thời gian đang làm sáng ra nhiều thứ, họ đã bắt đầu đi tìm những mặt bằng giá thuê rẻ hơn. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng sản phẩm cốt lõi của Burger King chính là bánh hamburger, đây không phải món ăn người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng, thêm vào đó mức giá của chuỗi này cho các suất ăn cũng không hề rẻ. Một đối thủ trực tiếp của Burger King tại Việt Nam cũng mạnh về bánh hamburger là McDonald dường như cũng đang gặp khó khăn tại một số điểm kinh doanh khi lượng khách đến quá ít. Còn nhớ thời điểm mở cửa hàng đầu tiên ở TPHCM, thương hiệu thức ăn nhanh này đã tạo ra ấn tượng cực mạnh, nhưng càng mở những cửa hàng sau thì lượng khách giảm dần. Đặc biệt tại McDonald Quang Trung (quận Gò Vấp, TPHCM), cửa hàng này thường xuyên rơi vào trạng thái vắng khách. Thậm chí ngay trong những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, trong khi cửa hàng Lotteria cách đó không xa đông nghẹt khách hàng thì McDonald vẫn trong trạng thái còn nhiều chỗ trống. Khoan bàn đến những nhận định của chuyên gia, chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát nho nhỏ với chính những người tiêu dùng lựa chọn Lotteria, KFC và được cho hay McDonald chủ yếu bán bánh hamburger, các món gà rán vốn luôn nằm trong thực đơn yêu thích của trẻ con ở đây lại quá ít và giá của McDonald cũng cao hơn.
Tất nhiên, để soi xét cho kỹ lưỡng, thời gian có mặt tại Việt Nam của Burger King hay McDonald còn khá ít ỏi so với những cái tên như KFC, Lotteria, Jollibee… và hiện tượng vắng khách hay thua lỗ ở một số cửa hàng cũng không có gì quá ngạc nhiên, nhưng liệu những thương hiệu này có thay đổi được phần lớn thói quen ăn uống của người Việt để hướng họ qua thích thưởng thức những chiếc hamburger hay không thì vẫn còn là một câu hỏi rất khó.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét