Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn mới: Lạc quan trong thận trọng

Quá trình tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015 đã tạo cho hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) một diện mạo mới, sẵn sàng hướng tới mục tiêu hội nhập quốc tế. Thành tích tuy có nhiều nhưng hạn chế vẫn còn đó, và đây sẽ là động lực, là mục tiêu hành động cho các TCTD trong giai đoạn tiếp theo.
Trong giai đoạn 2016-2020, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần được đẩy mạnh quyết liệt, đồng bộ. (Ảnh: Hữu Linh)
Diện mạo mới
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đứng trước cả cơ hội và thách thức, vì thế, công cuộc tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 không chỉ giúp giảm đi những hạn chế, yếu kém mà phải làm sao để các ngân hàng mạnh hơn nữa, phát triển lên tầm khu vực và quốc tế.
Vào năm 2011, ngành ngân hàng phải đối diện với “cơn bão khủng hoảng” khi hầu hết ngân hàng, kể cả ngân hàng lớn, có nguy cơ mất khả năng thanh toán. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1-3-2012 phê duyệt Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 (gọi tắt là Đề án 254), nhờ đó, hệ thống các TCTD của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Đánh giá về kết quả của Đề án 254, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, Đề án đã đặt ra một lộ trình phù hợp, với những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, giải quyết được những vấn đề cấp bách của quá trình tái cơ cấu, đồng thời đặt tiền đề cho sự phát triển an toàn, bền vững của cả hệ thống lâu dài. Qua đó, quá trình tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015 đã giải quyết kịp thời vấn đề thiếu thanh khoản hệ thống; xử lý các TCTD yếu kém nhưng vẫn đảm bảo an toàn của hệ thống với mức tổn thất và chi phí thấp nhất cho ngân sách Nhà nước; tạo nền tảng trụ cột cho hệ thống ngân hàng hoạt động bình thường, xử lý tốt nợ xấu.
Kết quả cụ thể của 4 năm triển khai đề án tái cơ cấu là giảm được 17 TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thông qua mua bán và sáp nhập (M&A), rút giấy phép, giải thể; tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2015 chỉ còn khoảng 2,72%; mặt bằng lãi suất cho vay đã được đưa về mức 7-9%/năm từ mức 25-35%/năm của năm 2011; thanh khoản thông suốt, thị trường vàng được sắp xếp lại và ổn định.
Tại buổi họp báo tổng kết năm 2015, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, sau gần 4 năm thực hiện, Đề án dù gặp nhiều khó khăn, nhưng về cơ bản, toàn ngành ngân hàng đã đạt được những mục tiêu đề ra. Qua đó, ngành ngân hàng đã giúp chính sách tiền tệ bền vững, đóng góp quan trọng trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Tồn tại cũ
Từ những kết quả đạt được, nhiều chuyên gia kinh tế- ngân hàng nhận định, trong giai đoạn tiếp theo, việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng sẽ “lạc quan trong thận trọng”, bởi vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại cần bước đi quyết liệt hơn nữa. Những tồn tại này, theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, thứ nhất là tình trạng sở hữu chéo, cho vay “sân sau”; thứ hai là nợ xấu, tuy rằng NHNN đang xử lý được nhưng lại tập trung vào Công ty Quản lý tài sản (VAMC), khiến nợ xấu chưa được giải quyết rốt ráo.
Cũng về những hạn chế của quá trình tái cơ cấu, theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, trên thực tế, hệ thống các TCTD vẫn còn một số ngân hàng thuộc diện yếu kém, bị kiểm soát đặc biệt và trong tầm “sắp” bị kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là sở hữu chéo, khi vì lợi ích, các “ông chủ” lập ra nhiều công ty tài chính, đầu tư chéo, cho vay chéo chính công ty của mình khiến nợ xấu tăng cao, gây mất an toàn cho hệ thống TCTD.
Để giải quyết sở hữu chéo, năm 2010, NHNN đã ban hành Thông tư 13/2010/TT-NHNN về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động, năm 2014, NHNN ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tạo ra khuôn khổ pháp lý mới về bảo đảm an toàn cho hoạt động ngân hàng. Tiếp đó, NHNN đã ban hành Thông tư 06/2015/TT-NHNN quy định thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại Điều 55 Luật các TCTD, hạn đến cuối năm 2015 phải lập được kế hoạch khắc phục việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, mặc dù thông tư ban hành nhiều nhưng sở hữu chéo vẫn chưa được giải quyết triệt để, bởi có những sở hữu chéo nằm trong “thế giới ngầm” nên khó có thể nắm bắt và cải tổ toàn diện.
Hơn nữa, về nợ xấu, mặc dù các con số đều đưa ra kết quả khả quan, tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, với tăng trưởng tín dụng cao thì tổng dư nợ, trong đó có nợ xấu cũng sẽ tăng tương ứng. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng và người đi vay thực hiện phương thức đáo hạn, đảo nợ, xử lý, tái cơ cấu lại nợ để chuyển từ nợ quá hạn thành chưa đến hạn, từ nợ xấu thành nợ chưa xấu lắm. Qua nhiều lần tái cơ cấu và đảo nợ như vậy, những khoản nợ thuộc nhóm nợ đủ tiêu chuẩn, nợ cần chú ý có nguy cơ “bục” ra thành nợ xấu trong giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh những “nút thắt” về nợ xấu, sở hữu chéo, hệ thống ngân hàng và các TCTD của Việt Nam vẫn còn nhiều điều khiến người trong cuộc “ngao ngán” như quy mô nhỏ lẻ, thông tin thiếu minh bạch, hệ thống quản trị rủi ro cũng như công nghệ còn yếu kém… Theo đánh giá gần đây của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), năng lực quản trị rủi ro, năng lực tài chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn thuộc nhóm yếu trong khu vực. Trong khi nhiều ngân hàng trên thế giới đã áp dụng tiêu chuẩn quản trị rủi ro Basel III thì các ngân hàng của Việt Nam vẫn đang loay hoay để lên Basel II.
Bước đi tiếp theo?
Mới đây, theo nghị quyết về các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội 2016, về tái cơ cấu thị trường tài chính, Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại toàn diện các TCTD, bao gồm cả các TCTD yếu kém, trọng tâm là cải thiện và nâng cao năng lực tài chính; cải thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy kiểm soát, kiểm toán nội bộ; từng bước cơ cấu lại hoạt động theo hướng an toàn, hiệu quả, giảm thiểu các hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Chính phủ yêu cầu tập trung xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém, trong đó cho phép áp dụng các biện pháp mạnh bao gồm cả biện pháp can thiệp của Nhà nước. Tiếp tục khuyến khích, đẩy mạnh M&A theo nguyên tắc tự nguyện giữa các TCTD; khuyến khích, tạo điều kiện cho các TCTD nước ngoài có năng lực tham gia cơ cấu lại các TCTD Việt Nam. Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu kiểm soát và xử lý hiệu quả vấn đề sở hữu chéo, cổ đông lớn chi phối; đẩy mạnh thoái vốn đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro, kém hiệu quả, đặc biệt các ngành, lĩnh vực phi tài chính.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong giai đoạn tới, tiến trình M&A cần tiếp tục, đẩy mạnh hơn nữa bởi NHNN đã khẳng định, với quy mô nền kinh tế như Việt Nam chỉ cần 15-17 ngân hàng hoạt động là vừa đủ. Do đó, các ngân hàng yếu kém phải được nhận diện một cách minh bạch, hoặc tăng vốn hoặc M&A với ngân hàng mạnh. Đặc biệt, nếu việc duy trì các ngân hàng nhỏ, ngân hàng yếu, ngân hàng “0 đồng” với chi phí lớn, hiệu quả mang lại không cao thì nên “thanh lý” hoặc bán từng phần, toàn phần cho ngân hàng khác. “Hiện chúng ta vẫn e ngại việc để ngân hàng phá sản do sợ ảnh hưởng đến nền tài chính và kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, để theo đúng quy luật thị trường, các ngân hàng yếu kém cần phải bị đào thải”, ông Hiếu nói.
Đồng quan điểm, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, Nhà nước đã có luật phá sản nhưng vẫn phải dần dần từng bước hoàn thiện khung pháp lý một cách đầy đủ, bởi ngoài luật về phá sản, phải có pháp luật liên quan đến tài chính, phải có khung và cơ sở tài chính tương đối chuẩn mực thì việc tiến tới thông lệ quốc tế cho ngân hàng phá sản là chuyện bình thường.
Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc thanh tra, giám sát ngân hàng cần được tăng cường, phải có sự huấn luyện kỹ càng hơn nữa. Đặc biệt, phương pháp thanh tra, giám sát phải thay đổi, hiện ở Việt Nam, việc thanh tra vẫn dừng ở mức thanh tra tuân thủ, Việt Nam cần đẩy mạnh mô hình thanh tra, giám sát theo mô hình quốc tế (CAMELS) để có thể giám sát từ vốn, thanh khoản, chất lượng tài sản có, quản trị, lợi nhuận, độ rủi ro… Điều này sẽ giúp xếp loại ngân hàng cụ thể, rõ ràng hơn, tăng tính minh bạch của hệ thống ngân hàng.
Nhìn chung, trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đứng trước cả cơ hội và thách thức, vì thế, công cuộc tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 không chỉ giúp giảm đi những hạn chế, yếu kém mà phải làm sao để các ngân hàng mạnh hơn nữa, phát triển lên tầm khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, giai đoạn mới này cần quán triệt thực hiện trên nguyên tắc dứt điểm, kiên quyết và đồng bộ, sẵn sàng áp dụng theo những thông lệ quốc tế.




0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons