Theo khảo sát của Savills Việt Nam, nhu cầu văn phòng tại Tp.HCM đang tăng đáng kể, dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung trong vài năm tới. Thị trường văn phòng được kỳ vọng sẽ có sự gia tăng về giá thuê. Điều này sẽ là lợi thế cho các chủ đầu tư nhưng bất lợi với khách thuê.
Do đó, khách thuê được khuyến khích để có kế hoạch chuyển đổi mặt bằng sớm trước khi giá thuê có sự điều chỉnh. Thị trường văn phòng tại Hà Nội có một số dấu hiệu cải thiện, nhưng thông thường sẽ đi sau Tp.HCM trong chu kỳ bất động sản.
Ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc Savills Việt Nam cho biết: “Các điều kiện kinh tế được cải thiện đã tác động đến sự phát triển mạnh mẽ của thị trường BĐS Việt Nam, cùng với sự tăng trưởng của tốc độ đô thị hóa, du lịch và bán lẻ. Savills lạc quan về triển vọng thị trường BĐS khi chúng tôi nhìn thấy đà tăng trưởng trong năm 2016. Các chủ đầu tư hiện tập trung nhiều hơn vào thiết kế, cảnh quan, tiện ích cũng như dịch vụ quản lý.
Điều này giúp cung cấp cho thị trường những dự án chất lượng cao cũng như góp phần gia tăng lòng tin của người mua. Việt Nam hiện đang là một điểm đến hấp dẫn trong khu vực. Trong khi các nước như Indonesia và Philippines đang ở trên đỉnh của của chu kỳ BĐS, Việt Nam hiện đang ở giai đoạn hồi phục trong vòng 12 tháng qua. Hơn bao giờ hết, thời điểm này, các chủ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài đang có nhiều quan tâm đối với thị trường BĐS Việt Nam và xu hướng này sẽ tiếp diễn trong năm nay cũng như các năm kế tiếp.”
Còn theo Công ty CBRE, thị trường văn phòng Việt Nam không có diễn biến nào đáng kể trong năm 2015 vừa qua với chỉ một tòa nhà Hạng A mới tại TP. HCM (Vietcombank Tower) và không có tòa nào tại Hà Nội. Việc tòa nhà mới Vietcombank Tower đi vào hoạt động đã giúp nâng tỷ lệ hấp thụ của văn phòng Hạng A tại TP. HCM một cách đáng kể so với năm trước.
Tuy nhiên, tỷ lệ hấp thụ của thành phố này sẽ giảm vào năm 2016 vì không có nguồn cung mới nào được hoàn thành và đồng thời diện tích sàn còn trống trên thị trường cũng rất giới hạn. Nhờ vào đà phục hồi kinh tế và nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỷ lệ hấp thụ sẽ tăng mạnh từ năm 2017 trở đi khi có thêm nhiều nhu cầu từ các công ty ngoại quốc.
Với triển vọng kinh tế tích cực, các công ty tại TP. HCM sẽ cân nhắc việc chuyển và mở rộng văn phòng của mình, với diện tích lý tưởng khoảng từ 1.000-2.000 m2 và nằm trong trung tâm thành phố.
Còn tăng trưởng nguồn cung văn phòng tại Hà Nội trong 4 năm vừa qua là nguyên nhân chính cho việc giá thuê thị trường giảm. Với tỷ lệ hấp thụ hiện tại chậm hơn so với tốc độ tăng nguồn cung mới, tỷ lệ trống cho các tòa nhà Hạng A được dự báo sẽ tăng bảy điểm, đạt mức 24.7% vào năm 2016.
Ngoài ra, nguồn cung mới Hạng A ở phía Tây và khu vực Đống Đa, Ba Đình sẽ phải chào giá thấp hơn hẳn so với trung tâm để có thể cạnh tranh với các nguồn cung hạng B tương lai gần đấy. Nhu cầu từ việc mở rộng của các tập đoàn đa quốc gia cũng như các công ty địa phương dự kiến sẽ tăng trong một vài năm tới./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét