Theo số liệu công bố của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản sang các nước ASEAN trong tháng 1-2016 tăng hơn 35% so với thời điểm cuối năm 2015. Điều này cho thấy, thị trường sang ASEAN đang được các doanh nghiệp mở rộng.
Theo nhận định của các doanh nghiệp, với một số thị trường xuất khẩu thủy sản đang gặp khó khăn, hiện nay các doanh nghiệp đang nhắm đến thị trường châu Á với dân số trên 3 tỷ người có mức thu nhập tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, ASEAN… để có kế hoạch mở rộng thị trường.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 1-2016 đạt 552,76 triệu USD, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 4,84% so với tháng 12-2015. Đây là tín hiệu tích cực đầu năm đối với ngành thủy sản. Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 1-2016 cũng là mức xuất khẩu cao thứ hai sau 6 năm gần đây (2011 – 2016). Mức xuất khẩu cao nhất trong tháng 1 là năm 2014 (đạt 583,59 triệu USD), năm xuất khẩu thủy sản đạt mức kỷ lục 7,84 tỷ USD.
Trong tháng 1-2016, xuất khẩu vào một số thị trường quan trọng như Mỹ, Trung Quốc (kể cả Hồng Kông), Hàn Quốc và ASEAN đã có mức tăng trưởng cao. Tuy nhiên, xuất khẩu vào hai thị trường quan trọng khác là EU và Nhật Bản vẫn có mức tăng trưởng âm, mặc dù giảm đã chậm lại. Xuất khẩu vào EU giảm khoảng 7% (năm 2015 giảm 17,8%), Nhật Bản giảm khoảng 8% (năm 2015 giảm 13,9%).
Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực trong tháng 1-2016 là tôm các loại và cá tra đã đạt mức tăng khá. Trong đó, xuất khẩu tôm tăng 5%, trong đó tôm sú tăng mạnh ở mức 24%, trong khi cùng kỳ năm 2015 giảm 19,07% (cả năm 2015 giảm 30,5%), tôm chân trắng có mức giảm chậm lại, gần 2%, cùng kỳ năm 2015 giảm 23,7% (cả năm 2015 giảm 24,6%). Giá trị xuất khẩu cá tra có mức tăng gần 1%, cùng kỳ năm 2015 giảm 12,2% (cả năm 2015 giảm 11,5%).
Xuất khẩu mực và bạch tuộc tăng 10%, cùng kỳ năm 2015 tăng 0,8% (cả năm 2015 giảm 11,2%). Riêng xuất khẩu cá ngừ vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục, giảm hơn 17% (cùng kỳ năm 2015 giảm 21,3%, cả năm 2015 giảm 6%).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét