Theo các chuyên gia, muốn đẩy lùi tín dụng đen cần nhiều giải pháp, trong đó giải pháp chính là áp dụng các hình thức cho vay phù hợp nhu cầu tài chính nhỏ lẻ của người dân.
Hệ lụy của tín dụng đen
Với đặc thù rủi ro kinh doanh lĩnh vực tiền tệ, các TCTD cho vay luôn lường trước và đặt ra nhiều giải pháp để hạn chế rủi ro, như xây dựng quy trình cho vay chặt chẽ, từ khâu lập hồ sơ tín dụng, quyết định cho vay, giải ngân, kiểm tra và giám sát vốn vay, xử lý tài sản bảo đảm... để đảm bảo thu hồi vốn cho vay. Vì vậy, khách hàng tiếp cận vốn vay NH vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, tín dụng đen nép dưới các hình thức giao dịch được pháp luật thừa nhận như hợp đồng vay mượn, cầm đồ… được người dân tiếp cận rất nhiều do nhu cầu vay vốn được cung cấp nhanh chóng, thậm chí chỉ là thỏa thuận miệng.
Hiện vẫn còn rất nhiều người dân có nhu cầu vay vốn, nhưng không thể vay được vốn vì mô hình CTTC chưa phát triển đủ mạnh để đáp ứng hết nhu cầu thị trường. Khu vực nông thôn được xem là điểm nóng tín dụng đen nhưng lại đang rất thiếu các kênh cho vay chính thống, dịch vụ cho vay tiêu dùng.
TS. Cao Sỹ Kiêm |
Cùng với việc dễ dãi trong cho vay thì mức lãi suất tín dụng đen luôn cao hơn rất nhiều so với lãi suất NH. Lãi suất tín dụng đen không áp dụng theo một mức sàn hay mức trần mà được 2 bên thỏa thuận theo nhu cầu vốn và địa vị xã hội của người vay. Chẳng hạn nếu doanh nghiệp hay nhà đầu tư vay vốn có thể thỏa thuận được lãi suất thấp hơn, còn nếu người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu vốn cấp thiết phải chịu lãi suất rất cao. Mức lãi suất vay nguội được quảng cáo rộng rãi khoảng 3-5%/tháng tùy thuộc vào số tiền vay nhiều hay ít, lãi suất vay nóng từ 7-10%/tháng. Cách tính lãi phổ biến trong tín dụng đen thường là 5.000 đồng mỗi ngày cho khoản vay 1 triệu đồng, tương đương 15%/tháng và khoảng 180%/năm. Song đây chưa phải là mức cao nhất vì có một số khoản vay áp dụng tiền lãi lên đến 10.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày, khoảng 30%/tháng.
Do cho vay ngầm và trên cơ sở tín nhiệm nên các hợp đồng vay mượn không chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Đa số trường hợp tiếp cận tín dụng đen đều vướng vào tình cảnh nợ chồng nợ, nhiều trường hợp giao giấy tờ nhà đất hay các tài sản có giá trị khác cho chủ nợ sau đó vướng vào bẫy siết nợ, cưỡng đoạt tài sản, thậm chí còn bị bắt giữ trái pháp luật. Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, từ năm 2010 đến cuối tháng 7-2015 đã có 5.800 vụ việc liên quan đến tín dụng đen bị khởi tố với hơn 10.880 bị can, trong đó có 41 vụ giết người, 301 vụ cố ý gây thương tích, 527 vụ cướp tài sản, 961 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.475 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản…, 56 băng nhóm gồm 287 đối tượng đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật… đã bị bắt và xử lý.
Kênh chính thống chưa mạnh
Hiện nay, các NHTM và công ty tài chính (CTTC) đang đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng, điều này được kỳ vọng sẽ từng bước đẩy lùi tín dụng đen. Tuy nhiên, đối tượng tiếp cận vay tiêu dùng vẫn hạn chế. Đối với các CTTC, dịch vụ cho vay tiêu dùng phát triển mạnh, điều kiện xét duyệt vay vốn thông thoáng hơn NHTM, không cần tài sản đảm bảo. Nhưng điểm khó để hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển mạnh là số ít người có thể chứng minh được thu nhập chủ yếu là cán bộ, công nhân viên chức, còn đại đa số người dân khó tiếp cận được vốn vay tiêu dùng vì không chứng minh được thu nhập. Song song đó, các CTTC hiện chủ yếu cho vay để mua sắm sản phẩm, còn cho vay tiền mặt khá hạn chế. Số ít CTTC đáp ứng nhu cầu vay tiền mặt tại các chợ truyền thống sau một thời gian hoạt động đã đóng cửa phòng giao dịch, vì với những khoản vay 2-3 triệu đồng để giải quyết gấp những vấn đề phát sinh thường ngày người dân không muốn tiếp cận CTTC để kê khai và chờ được cấp vốn theo đúng thủ tục.
Gần đây, một số TCTD cũng tính đến khả năng mở rộng cho vay tiêu dùng về khu vực nông thôn, nhưng theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, các TCTD vẫn cân nhắc kỹ vì điều này rất rủi ro, người dân ở nông thôn khó chứng minh được thu nhập, do vậy đến nay các CTTC vẫn tập trung ở khu đô thị. Để đẩy lùi nạn tín dụng đen vùng nông thôn, hiện rất nhiều ý kiến cho rằng có thể triển khai rộng rãi hình thức tín dụng vi mô.
Nguồn vốn NH khó có thể đáp ứng nhu cầu tài chính nhỏ lẻ của người dân. Ảnh: LONG THANH |
Mở rộng kênh tài chính vi mô
Theo ông Alain Boey, Phó Chủ tịch NH Tiết kiệm Quốc gia Malaysia (BSN), với thực trạng và nhu cầu tại Việt Nam dịch vụ tài chính vi mô là giải pháp có thể áp dụng, nhưng các NHTM vẫn chưa khai thác. Tại Malaysia, để phát triển tài chính vi mô, BSN đã tuyển dụng hàng ngàn nhân viên phủ kín dịch vụ trên toàn quốc, triển khai cho vay tín chấp với thủ tục đơn giản, tối đa 6 ngày giải ngân vốn. Ngược lại, BSN tăng cường huy động các khoản tiền gửi nhỏ lẫn siêu nhỏ trong dân cư để tăng cường vốn.
Hiện nay tài chính vi mô trong nước chủ yếu được thực hiện bởi các đơn vị nhà nước như NH Chính sách xã hội, NH Nông nghiệp và phát triển nông thôn, vài tổ chức tài chính vi mô nhỏ hoặc các chương trình xóa đói giảm nghèo nên chưa đáp ứng được nhu cầu tài chính ngày càng gia tăng của người dân, nhất là những người có thu nhập thấp. Đối với khu vực này, có thời điểm chỉ cần được vay 1-2 triệu đồng, người nông dân tránh được việc vay nóng từ tín dụng đen để duy trì mùa vụ hay giải quyết các vấn đề như tai nạn, bệnh tật hay những bất trắc xảy ra bất ngờ. Tuy nhiên, đa số các NHTM lẫn các tổ chức tư nhân đều bỏ qua mảng đối tượng khách hàng này, bởi nếu tham gia phải đầu tư về chi phí, mạng lưới, nhân sự và đào tạo, đầu tư công nghệ… rất tốn kém.
Theo các chuyên gia, ngành tài chính vi mô tại Việt Nam còn tiềm năng phát triển rất lớn, vì vậy rất cần các chính sách khuyến khích các TCTD lẫn các tổ chức phi tín dụng tham gia để cung cấp vốn cho cộng đồng dân cư, đẩy lùi nạn tín dụng đen trong xã hội.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét