Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

Xuất khẩu gạo Campuchia có thể vượt Việt Nam

Nhiều năm nay, Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu lúa gạo chính của Việt Nam, với sản lượng xuất khẩu năm 2015 được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thống kê là 2,168 triệu tấn (chưa tính xuất khẩu tiểu ngạch), chiếm 33,01% lượng gạo Việt Nam xuất khẩu tại thị trường châu Á.
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2015, Việt Nam xuất khẩu 6,586 triệu tấn gạo, với  kim ngạch 2,803 tỷ USD, tăng 4,0% về lượng so với năm 2014, nhưng giảm 4,5% về giá trị.
Còn theo VFA, trong tháng 1/2016, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 416.770 tấn, trị giá FOB đạt 169,289 triệu USD.
Theo dự báo của VFA, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2016 sẽ tiếp tục chịu tác động từ những diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu trên toàn thế giới và hiện tượng xâm nhập mặn đang lan rộng tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Cùng với đó là cạnh tranh từ các nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, các nước xuất khẩu gạo tiềm năng đang có những bước tiến mạnh mẽ như Campuchia, Myanmar… Trong khi đó, năm 2015, Ấn Độ, Thái Lan và Pakistan đều thông báo lượng gạo tồn kho tăng cao.
Ngoài ra, VFA cũng đưa ra nhận định, với việc tận dụng, nắm bắt cơ hội cũng như ứng phó với thách thức từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia. Cùng với đó là cạnh tranh khá gay gắt ngay tại thị trường nội địa, khi nhiều tập đoàn đa quốc gia đang triển khai các kế hoạch thâm nhập, mở rộng hệ thống bán lẻ toàn quốc.
Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA cho biết, trong những năm qua, sản lượng sản xuất lúa gạo của Việt Nam rất ổn định, tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, sản xuất gạo được dự báo sẽ khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu.
Ông Bùi Huy Hoàng, Tham tán thương mại thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc cho rằng, xuất khẩu gạo của Việt Nam qua Trung Quốc hiện chiếm tới 54% tổng số lượng gạo mà quốc gia này nhập khẩu, nhưng Việt Nam đang đối mặt với một đối thủ tiềm năng, đó là “hiện tượng” Campuchia. Tuy quốc gia này mới tiến hành xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc vài năm gần đây, nhưng tốc độ tăng trưởng rất cao, với khối lượng xuất khẩu năm 2015 là 116.000 tấn, tăng 138% so với năm 2014.
“Trong năm 2016, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu quan trọng của lúa gạo Việt Nam, vì vậy, ngoài việc xây dựng những chiến lược xúc tiến thương mại hiệu quả, thiết thực, các doanh nghiệp Việt cần tiếp tục nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu”, ông Hoàng cho biết.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam qua Trung Quốc hiện chiếm tới 54% tổng số lượng gạo mà quốc gia này nhập khẩu, nhưng Việt Nam đang đối mặt với một đối thủ tiềm năng, đó là “hiện tượng” Campuchia
Theo ông Chu Thắng Trung, Tham tán thương mại thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, thì đây là thị trường nhập khẩu gạo có dung lượng lớn (khoảng 408.000 tấn gạo/năm), không những thế, giá gạo tại Hàn Quốc thường cao hơn giá gạo của thế giới khoảng 1,9 USD/1kg.
Đặc biệt, theo cơ chế mới mà Chính phủ Hàn Quốc công bố, năm 2016 Hàn Quốc sẽ áp dụng cơ chế nhập khẩu gạo đồng đều từ tất cả các nước, thay vì ưu tiên cho Thái Lan và Trung Quốc như trước đây.
Đó là lợi thế cho Việt Nam để thâm nhập thị trường này, tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý rằng, người dân Hàn Quốc có thói quen dùng gạo hạt tròn của Thái Lan, trong khi gạo Việt Nam là loại hạt dài.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Gentraco cho biết, hiện các doanh nghiệp rất thiếu thông tin về thị trường các nước, vì vậy, ông đề nghị các tham tán thương mại cung cấp thông tin về những đối thủ cạnh tranh trên thị trường các nước, đặc biệt về chính sách bán hàng, cơ chế giá cả và đặc thù sản phẩm mà các nước đang áp dụng. Giới thiệu cho các doanh  nghiệp Việt tiếp cận được các doanh nghiệp nhập khẩu gạo tại các nước Mỹ - La tinh.
Để khắc phục những những hạn chế cũng như khó khăn của thị trường xuất khẩu Việt Nam năm 2016, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, Bộ Công thương đã đưa ra phương hướng xuất khẩu gạo giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới như tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng để củng cố và mở đường cho xuất khẩu gạo Việt Nam. Sớm đầu tư xây dựng cơ sở kiểm định chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn quốc tế tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long để giảm chi phí, thời gian cho công tác kiểm định chất lượng gạo. Đồng thời, phát triển những giống lúa gạo mới có chất lượng và phù hợp với nhu cầu của các nước nhập khẩu...



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons