Giá rẻ, mẫu mã lại phong phú, bắt mắt là những điểm cộng cho quần áo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nhưng đằng sau những lợi thế đó, người tiêu dùng nên cẩn trọng với những nguy hại về sức khỏe của mình và người thân.
“20.000 đồng một bộ quần áo”
Dạo quanh những con đường lớn ở Sài Gòn như Cách Mạng Tháng 8, Huỳnh Tấn Phát, Phạm Văn Đồng... không khó để bắt gặp hình ảnh mọi người đang chen lấn chọn đồ từ chỗ quần áo đổ đống. Nhất là thời điểm cận Tết, rất nhiều quần áo được hạ giá để lôi kéo người mua, nhiều nơi còn giảm giá tới 50% và vô vàn các chế độ ưu đãi khác.
Nhờ quen biết từ trước, PV đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với chị Mai Bích Phượng (46 tuổi) – chủ gian hàng chuyên phân phối sỉ lẻ quần áo ở khu chợ Bà Chiểu, phường 1, quận Bình Thạnh. Chị Phượng cho biết, hàng lậu nhập về thị trường Việt Nam ngày càng nhiều. Tuy không tem mác; không thương hiệu và ngay cả cán bộ quản lí thị trường có khi cũng không thể kiểm soát hết nên giá rẻ là điều dễ hiểu. Thực ra, không bao giờ có giá 20.000 đồng cho một bộ quần áo được gia công cẩn thận. Một phần quần áo sẽ để trực tiếp logo Trung Quốc đem bán, phần còn lại sẽ được thay đổi nhãn mác bằng hàng Việt Nam và đương nhiên, việc đó không khó đối với “dân buôn chuyên nghiệp”.
Vào khu chợ sinh viên trên đường Bùi Văn Ba (quận 7), khách hàng không khỏi choáng ngợp trước đống quần áo từ đồ người lớn cho đến đồ trẻ em được bày bán la liệt hai bên đường. Với những bảng giá hấp dẫn như 100.000 đồng/3 bộ quần áo; 50.000 đồng/1 quần jean; hay hàng loạt quần áo được rao bán với giá chỉ 20.000 đồng.
Hầu hết quần áo tập kết ở đây đều không rõ nguồn gốc xuất xứ hay nếu có thì cũng mang nhãn hàng Trung Quốc. Thế nhưng, vì giá rẻ, mẫu mã đẹp nên người mua vẫn cứ nườm nượp, người bán vẫn cứ nhiệt tình tư vấn.
Chị Nguyễn Phương Dung (phường Tân Phú, quận 7) chia sẻ: “Giá rẻ thì khách hàng có nhiều lựa chọn hơn và nếu quần áo có chẳng may bị rách hay hỏng thì cũng đỡ tiếc. Người mua cũng không mấy chú ý đến chất lượng mà chỉ quan tâm về hình thức nên hàng Trung mới chiếm lợi thế là vì vậy”.
Một số tiểu thương cho hay, phần nhiều cũng là do nhu cầu may mặc và khả năng kinh tế của người dân. Khách hàng đa phần là sinh viên, công nhân không có nhiều tiền nên tìm đến quần áo giá rẻ để mua. Hơn nữa tiền thuê người gia công cũng rẻ hơn nhiều so với hàng Việt Nam xuất khẩu. Chỉ cần mẫu mã nào đang hot và chiếm ưu thế là ngay lập tức các cơ sở sản xuất sẽ thuê các xưởng may ở bên Trung Quốc may lại với giá rẻ hơn rất nhiều, số tiền bỏ ra chỉ bằng khoảng 1/5 tiền lãi thu về.
Chị Phượng chia sẻ thêm: “Chúng tôi bán hàng chủ yếu là để phục vụ cho nhu cầu của khách nên khách thích cái gì thì chúng tôi nhập cái đó. Quần áo rẻ vẫn dễ bán hơn. Các cơ sở sản xuất thu lãi là chủ yếu còn những người buôn lại thì chỉ kiếm được một ít vốn lời mà thôi. Mặc dù rất muốn ủng hộ ngành sản xuất thời trang của Việt Nam nhưng vì giá nhập và giá bán cao nên không mấy người dám liều để buôn bán. Nhìn lượng khách mua hàng thì ai cũng thấy chủ yếu là sinh viên và công nhân đi làm thuê, họ đâu dám mua sắm gì nhiều”.
Không chỉ chiếm ưu thế trên thị trường may mặc, quần áo nhập khẩu từ Trung Quốc còn được biến hoá tinh vi thành hàng “Made in Việt Nam” với giá cả đội lên gấp nhiều lần. Bằng hình thức này, nhiều người đã bị đánh lừa khi tin rằng quần áo mình mua là hàng chất lượng và có thương hiệu.
Anh Nguyễn Tiến Đạt (quận 3) cho biết, anh chọn cho con trai một bộ quần áo ở một cửa hàng khá lớn trên đường CMT8, được giới thiệu là hàng Việt Nam xuất khẩu nên anh không ngần ngại mua về với giá hơn 300.000 đồng. Thế nhưng trước khi đem cho con mặc vợ anh Đạt có giặt qua thì thấy quần áo bị phai màu khá nhiều và vải bị xù lên mới kiểm tra mác thì phát hiện không phải hàng VNXK như người bán giới thiệu. Nhãn hiệu được khâu vá một cách cẩu thả và không hề có các số liệu sản xuất như thường thấy trên những bộ quần áo khác.
Quần áo kém chất lượng được bày bán trên vỉa hè với mức giá rất hấp dẫn. Ảnh: T.Tâm
“Tiền mất tật mang”
Thực tế, các chuyên gia đã cảnh báo, trong nhiều bộ quần áo kém chất lượng có chứa chất formaldehyde là chất có nguy cơ gây ung thư với hàm lượng cao quá mức cho phép, cùng với nhiều loại phẩm màu có độc tính cao rất nguy hại cho sức khỏe. Thế nhưng nhu cầu của người tiêu dùng với mặt hàng này vẫn chưa khi nào bớt “nóng”.
Tâm lý ham đồ rẻ, những “chiêu trò” qua mắt người mua, thêm vào đó, khâu kiểm tra, kiểm soát hàng kém chất lượng của các cơ quan chức năng vẫn chưa hoạt động tốt nên người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là hàng an toàn và đâu là hàng kém chất lượng.
Bạn Tú Anh (sinh viên) cho biết: “Em hay mua quần áo ở các chợ sinh viên, chợ đầu mối hay hàng bày bán trên vỉa hè vì giá khá rẻ, mẫu mã cũng bắt mắt, nhưng giờ chắc không giám mua nữa rồi. Một lần cùng với bạn bè đi mua quần áo ở một khu chợ nổi tiếng với quần áo giá rẻ nên bọn em có mua về rất nhiều. Thế nhưng khi đem về vừa thử thì một bạn cùng phòng bị nổi mẩn ngứa ở tay, kiểm tra lại mới thấy, quần áo bẩn quá. Kể cả sau khi giặt sạch sẽ, mặc vào vẫn bị nổi mẩn đỏ ở cổ...”.
Chị Nguyễn Ngọc Linh (một thợ chuyên sửa chữa quần áo ở quận 7) cho biết, đa số quần áo giá rẻ được nhập từ Trung Quốc theo từng lố, thậm chí có cả hàng đã qua sử dụng. Là người trong nghề, chị Linh cho hay quần áo chủ yếu là hàng kém chất lượng, nhiều bụi bẩn và phẩm màu hóa chất độc hại. “Quần jean là mặt hàng bị phẩm màu hóa chất nhiều nhất, nhiều khi cầm trên tay cũng bị dính màu và nếu giặt thì màu nhuộm trôi đi hết, nếu ngửi kĩ thì sẽ thấy có mùi nồng và sộc vào mũi rất khó chịu”, chị Linh cho biết thêm.
Chị Linh cũng bày tỏ, người dân không nên ham rẻ mà mua quần áo không rõ nguồn gốc. Để tránh mua phải quần áo phẩm màu hóa chất độc hại mọi người nên kiểm tra kĩ màu sắc và tránh mua những bộ nào có mùi khó ngửi. Quần áo mới mua về nên giặt sạch, phơi nắng nhiều lần rồi mới sử dụng, nguy hiểm nhất là mặc ngay khi chưa qua khâu loại bỏ tạp chất lẫn trong quần áo.
Cách nhận biết và loại bỏ độc tố trong quần áo kém chất lượng Quần áo chứa độc chất phooc-môn là những chất được phun vào quần áo, vải để diệt khuẩn, nấm mốc sẽ có mùi khó ngửi, hăng như mùi tương hạt cải, nếu ai từng ăn tương hạt cải rất dễ nhận ra mùi này. Tuy không phải là tất cả nhưng quần áo kém chất lượng này thường có màu sắc sặc sỡ, có chất làm sáng dạ quang hay in màu rất bắt mắt. Tốt nhất người tiêu dùng nên chọn mua quần áo có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, ghi đầy đủ thành phần nguyên liệu. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét