Năm 2015, mặc dù thị trường bất động sản tiếp tục phục hồi rõ nét nhưng ngành thép trong nước vẫn gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân được xác định bởi việc tăng mạnh nhập khẩu thép khiến nguồn cung dư thừa, qua đó kéo theo giá thép giảm mạnh, ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp ngành thép trong nước.
Nhập khẩu thép Trung Quốc tăng đột biến
Theo số liệu từ Tổng cục hải quan, Việt Nam đã nhập khẩu 15,7 triệu tấn thép trong năm 2015, tăng 33% về lượng so với năm trước đó. Trong đó, sắt thép nhập từ Trung Quốc là 9,6 triệu tấn, tăng 54% và chiếm 61,3% tổng sản lượng nhập khẩu nhóm hàng này. Nhập khẩu thép Trung Quốc tăng liên tục đã ít nhiều tác động đến các doanh nghiệp thép trong nước.
Trong khi nhập khẩu từ các thị trường khác dao động quanh mức 5-6 triệu tấn/năm thì nhập khẩu thép từ Trung Quốc tăng từ 1,7 triệu tấn năm 2011 lên 9,6 triệu tấn năm 2015
Ảnh hưởng từ giá thép giảm có thể thấy rõ khi hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều sụt giảm doanh thu, ngoại trừ một vài trường hợp như Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim, Sơn Hà.
Đáng chú ý, tồn kho của các doanh nghiệp thép niêm yết trong năm 2015 chỉ còn hơn 18 nghìn tỷ đồng, giảm 7 nghìn tỷ so với năm trước đó. Điều này cho thấy hoạt động tiêu thụ thép trong nước vẫn tốt và những khó khăn của các doanh nghiệp chủ yếu đến từ việc giá thép giảm.
Trong các doanh nghiệp thép niêm yết trên 2 sàn và upcom, Hòa Phát xứng đáng giữ ngôi vị số 1 ngành thép với doanh thu gần 28 nghìn tỷ đồng trong năm 2015 (trong đó mảng thép đóng góp 22 nghìn tỷ) - bỏ xa so với hai doanh nghiệp lớn khác là Tổng Công ty Thép Việt Nam (VnSteel- TVN) và Hoa Sen Group (HSG). Doanh thu của VNSteel giảm đáng kể khi CTCP Gang thép Thái Nguyên - Tisco không còn là công ty con.
Phần lớn doanh nghiệp thép lãi rất thấp hoặc thua lỗ
Giá thép giảm mạnh trong năm qua khiến không ít doanh nghiệp gặp khó, bán lỗ vốn như trường hợp Hữu Liên Á Châu, SMC, Thép Tiến Lên.
Ngoài những doanh nghiệp top đầu như Hòa Phát, Hoa Sen thì nhìn chung biên lợi nhuận ngành thép năm qua khá thấp, chỉ quanh ngưỡng 5%.
Doanh thu sụt giảm, trong khi các chi phí phát sinh trong kỳ vẫn ở mức cao khiến nhiều doanh nghiệp thép lỗ lớn trong năm qua. Có thể kể tới như Hữu Liên Á Châu (HLAC) lỗ 387 tỷ đồng, lỗ lũy kế 1.044 tỷ đồng hay như SMC lỗ 195 tỷ đồng, Thép Tiến Lên lỗ 173 tỷ đồng, Thép Việt Ý lỗ 52 tỷ đồng, Kim khí TP.HCM (HMC) lỗ 33 tỷ đồng.
Ngược lại, Hòa Phát dù không còn đột biến từ bất động sản nhưng vẫn lãi ròng hơn 3.500 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần Hoa Sen, doanh nghiệp đứng đầu thị trường trong phân khúc tôn mạ.
Lợi nhuận của Hòa Phát vượt trội so với ngành
0 nhận xét:
Đăng nhận xét