TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), cho biết qua khảo sát có tới 30% doanh nghiệp (DN) không biết hội nhập nhưng tỷ lệ các quan chức, lãnh đạo biết về hội nhập còn thấp hơn nhiều.
Ông Thành cảnh báo không thể để “nước đến chân mới nhảy”, bởi bước ngoặt của VN hiện nay là xu thế. “Trong vài năm qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư thực sự vào VN để tận dụng cơ hội. Hàng tỉ USD vào dệt may và Mỹ có thể trở thành nhà đầu tư số 1 tại VN. Tất cả các tập đoàn lớn của Mỹ đã có mặt để điều tra, thăm dò nên DN hãy chuẩn bị sớm, chạy sớm”, ông Thành khuyến nghị.
Vẫn theo lãnh đạo của CIEM, “đau” nhất đối với VN là từ năm 2000 trở lại đây, tốc độ tăng năng suất lao động của VN ngày càng giảm khiến quốc gia không thể cải thiện được năng lực cạnh tranh, DN không thể lớn nổi. “Điều cơ bản khiến DN VN không muốn làm lớn là liên quan thể chế, mà quan trọng nhất là quyền tài sản, quyền sở hữu, đặc biệt là quyền tài sản với đất đai. Thứ hai là cạnh tranh chưa bình đẳng khi DN nhà nước thống lĩnh thị trường, vấn đề thân hữu. Ngay cả việc tiếp cận đất đai, lao động có kỹ năng quá khó khăn”, ông Thành nhìn nhận.
TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng VN đang tham gia quá trình hội nhập sâu rộng, ngoài TPP còn có hàng chục hiệp định thương mại tự do (FTA). Vì thế, TS Lịch đề xuất cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức khỏe của DN. “Trong hội nhập, nói thị trường nhiều hơn nhưng vai trò của nhà nước cũng không giảm. Chỉ có điều nhà nước thực hiện vai trò khác so với bây giờ, phải là “bà đỡ” cho thị trường phát triển. Đây là vấn đề lớn chi phối toàn bộ quá trình cải cách thể chế”, ông Lịch đánh giá. Theo dõi quá trình phát triển 5 năm qua, đặc biệt giai đoạn khủng hoảng kinh tế, ông Lịch đánh giá bên cạnh những DN phá sản, giải thể cũng có nhiều DN bứt phá, phát triển mạnh và sống rất khỏe. “Một số DN nói với tôi rằng giai đoạn vừa qua người ta chết thì em sống khỏe nhất, mua dự án dễ dàng. Do đó, cơ hội và thách thức phụ thuộc vào năng lực của mỗi người tận dụng và nắm bắt được thời cơ như thế nào”, TS Lịch gợi ý.
Ông Lịch cho rằng, vấn đề đối với các DN Việt không phải nhỏ hay to. Hiện cả nước có khoảng 500.000 DN, chủ yếu là vừa và nhỏ, cùng với hơn 3 triệu hộ kinh doanh. Nhưng nhìn sang Nhật Bản, quốc gia này cũng có 4,5 triệu DN, trong đó 99% là DN nhỏ, DN lớn chỉ chiếm 0,3%, còn lại là các thành phần khác. “Khảo sát 5 năm vừa qua chỉ 3% hoạt động tốt, còn lại cầm hơi và chết dở sống dở. Bởi nhược điểm đầu tiên là DN kinh doanh làm theo phong trào, sở đoản chứ không có sở trường”, ông Lịch nói và tiếp tục minh họa: “Năm 2013, một DN làm bao bì than vãn không có tiền, đề nghị hỗ trợ. Khi truy ra kinh doanh bao bì tốt, tăng trưởng 12%, nhưng đầu tư nhà chung cư, nên làm bao bì không nuôi nổi được. Tức là chết do mình, chạy theo phong trào. Trong 5 năm tới thị trường sẽ tiếp tục thanh lọc DN nếu không làm ăn bài bản”.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng, các DN còn chưa chú trọng về mặt pháp lý trong hội nhập. “Không biết bao nhiêu DN than phiền thuê luật sư tốn tiền, nhưng ta phải nghĩ sử dụng tư vấn pháp luật để đảm bảo toàn bộ. Hội nhập cần phải khắc phục thì ta mới đi được con đường kinh doanh bài bản”, ông nói.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét