Với những tiềm năng về kinh tế, mô hình trồng tam thất đang ngày càng được nhân rộng trên vùng cao này. Hiện huyện Si Ma Cai có gần 10 héc ta cây tam thất, tập trung nhiều nhất ở các xã Nàn Sán, Sán Chải và Mản Thẩn.
Gia đình ông Giàng Seo Sì, thôn Nàn Cảng, xã Si Ma Cai là hộ đầu tiên ở vùng cao Si Ma Cai trồng cây tam thất với quy mô lớn, tập trung. Sau khi tìm hiểu và nhận thấy tiềm năng kinh tế từ cây trồng này, cuối năm 2013, ông Sì đã vay vốn ngân hàng cùng nguồn tích lũy của gia đình đầu tư trồng 0,9 ha cây tam thất tại xã Sán Chải. Sau hơn 1 năm trồng, vườn tam thất của gia đình đã cho thu hoạch 3 vụ nụ.
Là mặt hàng được ưa chuộng trên thị trường, nụ hoa tam thất tươi được bán với giá khá cao từ 250.000 - 300.000 đồng/kg. Với gần 4 tạ nụ tươi, trung bình một năm, gia đình thu về gần 100 triệu đồng. Sau 3 năm trồng, cả thu hoạch củ và hoa đã thu về gần 1 tỷ đồng.
Ông Giàng Seo Sì cho biết: “Năm nay tôi cũng trồng thêm gần 3 hta nữa. Nếu thời gian tới mà được, thì gia đình sẽ đầu tư thêm nữa.”
Không chỉ đòi hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc mà đầu tư vốn cho loại cây dược liệu này cũng là những khó khăn mà người dân đang gặp. Trung bình để đầu tư một ha tam thất cần từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Năm 2014, một số nhóm hộ trên địa bàn huyện đã bắt đầu trồng thử nghiệm thêm 2 ha cây tam thất. Là loại cây chịu lạnh, tam thất rất phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng vùng cao Si Ma Cai.
Tuy nhiên, việc trồng và chăm sóc loại cây này đòi hỏi nhiều công sức. Vốn là loại cây ưa ánh sáng tán sạ lại kỵ nước, nên các vườn ươm trồng tam thất đều phải có mái che và việc duy trì độ ẩm cho đất rất được chú trọng. Mỗi ngày các hộ đều phải ra vườn kiểm tra thường xuyên 3 lần một ngày.
Theo quy trình chăm sóc cứ 4 tháng một lần thì cây được bón phân. Ông Giàng Seo Chùa, một trong những gia đình trồng tam thất ở xã Màn Thẩn, huyện Si Ma Cai nói: “Trong năm nay chúng tôi cũng tiếp tục trồng cây tam thất. Gia đình mạnh dạn trồng, sau này có giá trị kinh tế cao chúng tôi mở rộng hơn để xóa đói giảm nghèo.”
Nhận thấy những lợi ích kinh tế từ loại cây này mang lại, huyện Si Ma Cai đã có nhiều biện pháp để nhân rộng, giúp đỡ các nhóm hộ phát triển loại cây trồng mới này.
Ông Viên Đình Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Si ma Cai, tỉnh Lào Cai cho biết: “Chúng tôi đang sưu tầm những kỹ thuật trồng, chăm sóc của Trung Quốc, sau đó điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện quy trình sản xuất để hướng dẫn cho nhân dân. Sau đó, chúng tôi xây dựng mô hình chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc đến nhân dân.”
Việc mở rộng diện tích trồng cây tam thất là một trong những giải pháp của huyện Si Ma Cai thực hiện mục tiêu đa dạng hóa tập đoàn cây dược liệu, khai thác tiềm năng lợi thế về điều kiện tự nhiên và canh tác của người dân vùng cao./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét