Các bồn chứa tại nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh:TL |
(TBKTSG Online) - Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước vẫn tiếp tục "quay lưng" với sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất do hàng nhập khẩu rẻ hơn. Vì thế, lượng sản phẩm tồn kho của Dung Quất ngày càng tăng cao và nhà máy phải tiếp tục gởi văn bản kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Tài chính xin tháo gỡ.
Tám năm kể từ ngày đi vào vận hành thương mại đến nay, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã nhiều lần gửi văn bản lên Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương gây sức ép về việc điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu vì cho rằng việc hạ các mức thuế nhập khẩu theo lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế khiến nhà máy này luôn có nguy cơ đóng cửa do sản phẩm khó cạnh tranh.
Mới đây, Chính phủ và Bộ Tài chính đã nhận được văn bản của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị đang quản lý và vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, phản ánh tình trạng tồn kho lớn của BSR.
Từ cuối năm 2015, sản lượng chế biến nhiều hơn sản lượng bán ra, tồn kho lớn nên hệ thống kho của BSR quá tải, không còn chỗ chứa. Hai tháng đầu năm 2016, các khách hàng lớn của BSR lại tiếp tục giảm mạnh khối lượng mua hàng của Dung Quất; ví dụ như Petrolimex chỉ đăng ký mua 80.000 mét khối diesel/tháng, bằng 2/3 so với khối lượng 120.000 m3/tháng mà họ thường mua trước đây.
Tồn kho lớn và việc các khách hàng tiếp tục “quay lưng” khiến BSR không ngồi yên. Như thông lệ, họ lại làm đơn gửi Chính phủ và nhận định rằng, nếu tình trạng này tiếp tục tái diễn thì Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ đóng cửa.
Lý do chính mà BSR nêu ra là việc cắt giảm mạnh hàng loạt các loại thuế nhập khẩu xăng, dầu diesel, xăng máy bay (Jet A1) xuống 10%. (Theo lộ trình cam kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã đưa thuế nhập khẩu xăng dầu từ 20% về 10%; còn theo mức thuế ưu đãi đặc biệt Hiệp định FTA giữa Việt Nam-Hàn Quốc thì mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc cũng là 10% - PV).
Giảm thuế khiến cho giá nhập khẩu từ các thị trường có hiệp định giảm xuống, doanh nghiệp đầu mối tăng nhập khẩu, hạn chế dần việc mua hàng từ Dung Quất. Hiện nay, xăng dầu của Dung Quất bán ra tuy là hàng trong nước nhưng giá cao hơn hàng nhập khẩu vì giá bán được cộng cả mức thuế nhập khẩu 20%- 35%.
Năm trước, mức thuế này áp theo biểu thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi ( MFN) còn cao hơn nữa: xăng, dầu hỏa là 35%, diesel là 30% và madut là 35%. Tuy nhiên, năm 2015, Bộ Tài chính có điều chỉnh ưu đãi này theo lộ trình giảm dần thuế nhập khẩu tính vào giá xăng xuống mức 20%.
Mức thuế cao cộng vào giá bán sản phẩm của xăng dầu Dung Quất và người mua phải chịu nên các doanh nghiệp đầu mối chọn nguồn hàng nhập rẻ hơn.
Bộ Tài chính trong năm 2015 cũng đã “bác” những đề nghị của Dung Quất về việc điều chỉnh thuế để hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho nhà máy này.
Kể từ ngày đi vào hoạt động đến nay, Tập đoàn Dầu khí (PVN), công ty mẹ của BSR, đã cấp bù thuế suất cho Dung Quất hàng năm từ 1.000 tỉ đồng trở lên. Tuy nhiên, năm gần nhất 2015, BSR vẫn đạt gần 6.000 tỉ đồng lợi nhuận và đang cổ phần hóa BSR để nâng công suất lọc dầu lên 8,5 triệu tấn/năm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét