Thị trường chăn nuôi Việt Nam đang tồn tại hiện tượng thỏa thuận ngầm giữa các nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi để định giá bán thức ăn.
Ảnh minh họa.
|
Người nuôi thiệt đơn, thiệt kép
Thống kê của SCAP, thành viên thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn cho thấy trong 239 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi (TACN) thành phẩm công nghiệp cho gia súc, gia cầm hiện nay, doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư 100% trong nước chiếm khoảng 180 nhà máy, DN liên doanh và 100% vốn nước ngoài có khoảng 59 nhà máy.
Tuy nhiên, thị phần của lĩnh vực này lại hoàn toàn bị các DN liên doanh và DN vốn đầu tư nước ngoài chiếm lĩnh.
Trong đó, Cty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam chiếm 19,42% tổng sản lượng sản xuất ra thị trường, tiếp đó là Cty Cargill Việt Nam chiếm 8,11%, Proconco chiếm 7,51%.
Do không chiếm lĩnh được thị trường, tại thị trường chăn nuôi đang xảy ra hiện tượng các Cty nhỏ quan sát động thái giá của 2-3 Cty thức ăn lớn nhất trên thị trường và định giá theo giá của các Cty lớn.
Theo TS Nguyễn Văn Giáp (chuyên gia của SCAP), thị trường TACN đang có sự đồng thuận ngầm và lỏng lẻo giữa các nhà cung cấp TACN để định giá bán thức ăn cao hơn cho người chăn nuôi và tạo ra một sự độc quyền bán lỏng lẻo.
Trong khi các nhà sản xuất và cung cấp TACN có thể áp đặt giá và hưởng lợi thì người chăn nuôi nhỏ đang bị thiệt hại cả đầu ra, lẫn đầu vào trong sản xuất.
Đáng chú ý, một nghiên cứu của SCAP mới đây chỉ ra giá trị thị trường TACN tăng nhanh trong giai đoạn 2010 - 2013, giá trị tăng từ khoảng 100 nghìn tỷ đồng lên đến 160,5 nghìn tỷ đồng.
Theo kết quả tính toán năm 2013, khi có độc quyền, các nhà cung cấp TACN tăng giá bán để hưởng lợi ước tính 9,87 nghìn tỷ đồng, nhưng gây hại cho người chăn nuôi khoảng 19,84 nghìn tỷ đồng, thiệt hại cho toàn xã hội khoảng 9,97 nghìn tỷ đồng.
Cũng theo SCAP, tại thời điểm nghiên cứu, trung bình trên mỗi kilôgam thịt lợn và gà bán cho thương lái, hộ nuôi lợn đã chịu thiệt 7.093 đồng/kg và hộ nuôi gà chịu thiệt 2.712 đồng/kg.
Tương tự, trên mỗi kilôgam TACN, hộ chăn nuôi sử dụng phải trả 1.483 đồng/kg, cao hơn giá TACN khi thị trường hoạt động hiệu quả. Như vậy, hộ chăn nuôi thực tế đang chịu thiệt hại cả hai đầu của quá trình sản xuất là đầu vào và đầu ra.
Bỏ rơi “trận địa”?
Nhìn trên diện rộng, theo TS Giáp, hiện ngành sản xuất TACN của Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt khó khăn như: thiếu nguồn nguyên liệu, thiếu công nghệ sản xuất, thiếu thiết bị và tổ chức quản lý ngành cũng thiếu chặt chẽ.
Theo chuyên gia này, hàng năm Việt Nam đang phải nhập khẩu trên dưới 2 tỷ USD TACN và nguyên liệu. Trong đó, gần 3 triệu tấn ngô, hơn 1 triệu tấn dầu đậu tương, hàng trăm nghìn tấn bột cá, bột xương thịt, ngoài ra còn nhập thêm các chất phụ gia bổ sung thức ăn, các loại vi khoáng.
Trong khi đó, hiện tại chưa có kết quả nghiên cứu nào về công nghệ có thể phổ biến đại trà ứng dụng vào sản xuất TACN ở Việt Nam.
Ông Giáp dẫn chứng, premix là một sản phẩm bổ sung rất quan trọng trong ngành TACN, tuy nhiên, DN ở Việt Nam có thể sản xuất loại sản phẩm này còn quá ít và quy mô rất nhỏ, chưa có tên tuổi hay thứ hạng trên thị trường, kể cả tại các viện nghiên cứu, trường đại học.
“Các Cty nước ngoài sản xuất hàng trăm ngàn tấn premix bán ồ ạt trên thị trường Việt Nam mà không có đối thủ cạnh tranh. Họ nắm thị trường, khống chế giá cả, trong khi đó ngành chăn nuôi nước ta chưa có một kết quả nghiên cứu về lĩnh vực phụ gia thức ăn để phổ biến vào sản xuất giúp cho các DN kinh doanh, chủ động hạ giá TACN” - ông Giáp ngán ngẩm.
Ngoài ra, việc tổ chức quản lý ngành TACN cũng đang bị bỏ rơi một cách hết sức khó hiểu. Điều tra của SCAP cho thấy, mạng lưới cấp tỉnh, huyện còn hạn chế trong quản lý ngành sản xuất TACN. Thậm chí có nơi chưa có tổ chức chăn nuôi mà giao cho thú y quản lý.
Trước tình trạng thị trường TACN đang bị các DN có vốn đầu tư nước ngoài “làm mưa làm gió”, ông Giáp cho rằng Nhà nước cần sớm có chính sách kiểm soát độc quyền và nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh trong thị trường TACN. Thậm chí, cần có biện pháp phá vỡ thế độc quyền và khả năng kiểm soát thị trường của một số Cty TACN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét