Trong thời gian dài thiếu nước do khô hạn, không đầu tư hệ thống thủy lợi nên gần chục ha lúa của nông dân ấp Đông Hưng 2 (Đông Thành, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) bị chết khô, cỏ mọc đầy. Một số hộ không thu hoạch lúa, thậm chí để cho bò ăn.
Khi mới xuống giống lúa hè thu, thửa ruộng hơn 7 công đất (1 công 1.000 m2) của ông Bùi Hùng Việt (ngụ ấp Đông Hưng 2) gặp ngay khô hạn. Ông Việt phải dùng máy bơm nước để cứu lúa nhưng đến khi lúa đẻ nhánh, ông đành bất lực nhìn lúa chết vì kênh thủy lợi không còn nước để bơm. Cánh đồng của ông Việt lúa chết, dần chết mòn và thay vào đó là cỏ dại mọc dày đặc.
Gần 1 tháng nay, khi cỏ mọc nhiều nên ông cho người hàng xóm thả 3 con bò vào cánh đồng lúa ăn vì chẳng còn gì để thu hoạch. Ông Việt ngậm ngùi cho cho biết: “Năm nay nắng nóng, khô hạn khủng khiếp hơn mọi năm, cộng với việc kênh thủy lợi không được nạo vét nên cả cánh đồng thiếu nước trầm trọng. Thấy lúa cứu không được nên tôi bỏ luôn để giảm bớt thiệt hại, thua lỗ. Cánh đồng kế bên cố gắng cầm cự bơm nước, xịt thuốc diệt cỏ, bón phân… nhưng tới khi lúa trổ thiếu nước nên giờ lúa bị lép thiệt còn nặng hơn”.
Ruộng lúa của ông Việt giờ chỉ để cho bò ăn
Ông Việt bên ruộng lúa chẳng cây nào sống nổi
Theo ông Việt, trong diện tích lúa bị mất trắng có phân nửa thuê của người khác nên bị thiệt hại, ông chỉ còn cách đến năn nỉ người cho thuê giảm chi phí để bớt lỗ. Theo tính toán, chi phí giống, phân bón, bơm nước ở vụ hè thu này, mỗi công đất trồng lúa ông Việt bị lỗ hơn 1 triệu đồng.
Lúa bị lép, giảm năng suất do khô hạn
Ruộng nứt nẻ chỉ có cỏ còn tồn tại
Dẫn chúng tôi ra cánh đồng toàn cỏ dại, nền đất khô, nứt nẻ, ông Việt than: "Ruộng khô như thế này làm gì mà lúa sống nổi. Vụ sau nếu nhà nước không đầu tư làm thủy lợi chắc dân bỏ luôn chứ làm thì càng lỗ thêm”.
Ruộng lúa cầm cự đến khi trổ bông bị nghẹ đồng vì thiếu nước
Ở những thửa ruộng kế bên, lúa đã đỏ đuôi nhưng bị lép, cỏ rất nhiều nên cũng bị thiệt hại không kém do nông dân tốn nhiều chi phí, trong khi thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Nông dân Nguyễn Văn Sáu cho biết: “Tôi canh tác 5 công đất trồng lúa cố gắng hết sức nhưng cũng bị giảm năng suất. Xung quanh có nhiều hộ đã bỏ từ khi lúa mới đẻ nhánh vì bất lực do thửa ruộng nằm xa con kênh thủy lợi nên không đủ nước tưới”.
Theo ông Sáu, khi lúa bị khô hạn thì lập tức bị cỏ tấn công. Nếu có xịt thuốc diệt cỏ chỉ chết lúa chứ không chết cỏ vì thiếu nước lưu dẫn vô bộ rễ nên cỏ không chết. Vì vậy đám ruộng nào thiếu nước, khô cằn là lúa chết dần chết mòn, đến khi trổ lại nghẹn đòng trong khi cỏ thì mọc dày đặc.
Do khô hạn nên cỏ dày đặc trong ruộng lúa
Bà Nguyễn Tuyết Hà, trưởng ấp Đông Hưng 2 cho biết: “Vụ hè thu này, ấp Đông Hưng 2 xuống giống với diện tích 149 ha có nhiều thửa bị khô hạn làm giảm năng suất. Trong đó có một số thửa bị thiệt hại nặng khi lúa mới trổ không đủ nước nên bị lép, có thửa mất trắng hoàn toàn. Theo thống kê sơ bộ có khoảng 79 ha giảm năng suất, hơn 2 ha mất trắng hoàn toàn. Nguyên nhân chính là do nắng nóng, khô hạn kéo dài; trong khi đó con kênh thủy lợi không được cải tạo nên thiếu nước tưới”.
Theo bà Hà, một số hộ đã bán cho bò ăn, một số không thu hoạch vì cỏ nhiều hơn lúa nên có thể chỉ bán cho vịt chạy đồng ăn.
Con kênh dẫn nước vào ruộng lúa bị khô cạn
Trao đổi với Dân trí, ông Trần Phước Hưởng, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Đông Thành cho biết: “Vụ hè thu này, một số nông dân trồng lúa ở ấp Đông Hưng 2 bị thiệt hại, giảm năng suất do khô hạn, nắng nóng kéo dài”.
Ông Hưởng cho biết, thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục vận động những hộ bị mất đất để làm thủy lợi nhằm có nước tưới phục vụ sản xuất trong điều kiện nắng nóng, khô hạn kéo dài như hiện nay.
Minh Giang
0 nhận xét:
Đăng nhận xét