Những dấu hiệu của chuyển giá thì dễ nhận biết, nhưng để kết luận được và đưa ra quyết định có tính chất pháp lý thì không đơn giản chút nào - ông Phan Hữu Thắng, Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho hay.
Nghi vấn chuyển giá - trốn thuế với các doanh nghiệp FDI thường xuyên được đặt ra nhưng rất ít trường hợp được "đưa ra ánh sáng"
Trả lời phỏng vấn Dân trí, ông Phan Hữu Thắng – Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã chỉ ra một loạt những bất cập trong việc thu hút FDI của Việt Nam, trong đó, “nhức nhối” nhất hiện nay vẫn là các “chiêu trò” chuyển giá, trốn thuế của các “ông lớn” FDI.
Sau 12 năm quan sát Metro hoạt động, các nhà chức trách mới phanh phui ra được doanh nghiệp này trốn thuế. Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp FDI có thể giấu lãi tài tình như thế?
Chuyển giá là một trong các hành vi phổ biến trong đầu tư - kinh doanh quốc tế trong cơ chế thị trường. Các doanh nghiệp khi có cơ hội đều tìm cách chuyển giá, trốn thuế để thu lời, và như vậy họ phải tìm mọi cách hợp thức hóa hành vi chuyển giá để đối phó với sự kiểm tra của cơ quan thuế, hải quan nhằm trốn thuế một cách “hợp pháp”.
Chuyển giá để nhằm giảm “lãi thực”, trốn thuế được các nhà đầu tư nước ngoài “tài tình” thực hiện, bởi họ có các điều kiện để thực hiện hành vi chuyển giá như: có khả năng cung cấp các sản phẩm đầu vào cho các doanh nghiệp có vốn của họ tại Việt Nam, đặc biệt khi các sản phẩm đó do họ độc quyền sản xuất hoặc nắm bí quyết công nghệ sản xuất.
Họ đã có hệ thống thương mại - phân phối khép kín trong tập đoàn giữa công ty mẹ với các công ty thành viên, và giữa các công ty thành viên với nhau. Họ có tài sản vô hình góp vào vốn đầu tư hoặc được huy động trong quá trình sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, họ còn có kinh nghiệm đầu tư - kinh doanh lâu năm trên trường quốc tế, nên dễ dàng tạo nên các kế hoạch kinh doanh không lành mạnh để thực hiện các hành vi chuyển giá trốn thuế phù hợp với thông lệ kinh doanh quốc tế mà cơ quan thuế, hải quan không dễ bắt bẻ, hoặc định ra các quy định pháp lý riêng để bắt họ phải tuân theo...
Với kinh nghiệm lâu năm của một cán bộ trong lĩnh vực đầu tư, ông có thể điểm qua những chiêu trò chuyển giá, trốn thuế của những doanh nghiệp này?
Những “chiêu trò” cụ thể của các doanh nghiệp này có thể kể ra như sau:
- Định giá cao khi nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu… và khai giá bán thấp khi xuất khẩu sản phẩm. Đối với các nhà đầu tư có ý đồ chuyển giá họ đã chủ động tăng giá đầu vào ngay từ khi lập FS (báo cáo khả thi), và tiếp tục cả trong quá trình tăng vốn mở rộng sản xuất sau này, thổi phồng giá trị tài sản cố định, khấu hao tăng lên, doanh nghiệp không có lợi nhuận…
- Cấu kết giữa các công ty mẹ - con, giữa các công ty trong cùng tập đoàn định sẵn mức giá mua - giá bán sản phẩm, hàng hóa, cũng như định sẵn mức lợi nhuận, lỗ - lãi cho doanh nghiệp tại Việt Nam.
- Nâng cao giá trị thực của các tài sản vô hình, của các sản phẩm sản xuất độc quyền…
Thưa ông, tại các nước khác, vấn đề chống chuyển giá, trốn thuế đã được thực hiện như thế nào? Có trường hợp nào về chống chuyển giá, trốn thuế điển hình Việt Nam học hỏi không?
Đúng là việc chuyển giá không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà ở nhiều nước trên thế giới, vì chuyển giá là hành vi cấu kết giữa các công ty độc lập ở các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư và tiếp nhận đầu tư. Từ đó đưa ra mức giá hàng hóa, dịch vụ cao hơn nhiều so với giá trị thực và cao hơn giá bình thường, nhằm tránh thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi dụng kẽ hở của luật thuế thu nhập doanh nghiệp để giảm thuế, nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước, gia tăng lợi nhuận, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, thu hồi vốn đầu tư nhanh,…
Những dấu hiệu của chuyển giá thì dễ nhận biết, nhưng để kết luận được và đưa ra quyết định có tính chất pháp lý thì không đơn giản chút nào, vì nói chung còn thiếu thông tin từ thị trường bên ngoài để biết được giao dịch hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp có sát với thị trường hay không?
Tuy chưa nêu ra trường hợp nào điển hình, nhưng từ thực tiễn việc chuyển giá, trốn thuế có tính phổ biến, khó ngăn chặn như vậy, nên tổ chức Hợp tác và phát triển quốc tế (OECD) bao gồm hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đã có hướng dẫn về xử lý đối với chuyển giá, trốn thuế từ nhiều năm qua.
OECD đã khuyến nghị và nhiều nước đã áp dụng cơ chế: Thỏa thuận định giá trước (APA - Advance Pricing Agreement) để quản lý chuyển giá, trốn thuế. Theo đó, APA nói chung là: sự thỏa thuận đơn phương hoặc song phương giữa đối tượng nộp thuế và các cơ quản thuế liên quan đến chuyển giá trong một mục tiêu cụ thể như đối tượng, hoàn cảnh, điều kiện của các giao dịch cũng như thỏa thuận (trước) về phương pháp chuyển giá của các giao dịch đó, có hiệu lực trong một thời gian nhất định.
APA được các công ty đa quốc gia sử dụng phổ biến vì họ có thể tính toán trước được giá giao dịch giữa các bên liên kết.
Điều đáng mừng là để là đối phó với hiện tượng chuyển giá, cơ quan thuế Việt Nam đã có thế áp dụng APA - Thỏa thuận định giá trước, để xử lý.
Tại khoản 20 Điều 5 của Luật quản lý thuế, nội dụng về APA đã được quy định như sau: “Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan thuế với người nộp thuế hoặc giữa cơ quan thuế với người nộp thuế và cơ quan thuế các nước, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế thu nhập doanh nghiệp cho một thời hạn nhất định, trong đó xác định cụ thể các căn cứ tính thuế, phương pháp xác định cụ thể các căn cứ tính thuế, phương pháp xác định giá tính thuế hoặc giữa giá tính thuế theo giá thị trường”.
Nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ doanh nghiệp FDI mà cả các doanh nghiệp trong nước, nhiều đơn vị ý thức nộp thuế vẫn rất kém. Theo đánh giá của ông, thời gian qua, hệ thống luật pháp của Việt Nam đã được cải thiện nhiều hay chưa để triển khai chống chuyển giá trốn thuế? Cụ thể là đã có những bước đi nào thưa ông?
Đúng là không chỉ có doanh nghiệp nước ngoài mà cả các doanh nghiệp trong nước, nhiều doanh nghiệp còn có ý thức nộp thuế cũng rất kém. Các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước này vì mục đích thu lợi nhuận tối đa đã quên nghĩa vụ của mình đối với Nhà Nước, xã hội và nước chủ nhà.
Theo thông tin từ Tổng cục thuế cho biết, trong năm 2013, cơ quan thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra 2.110 doanh nghiệp, đã trung thu, truy hoàn, phạt hơn 988 tỷ đồng; giảm khấu trừ thuế GTGT gần 137 tỷ đồng; buộc các doanh nghiệp phải giảm lỗ 4.192 tỷ đồng.
Thực sự việc chuyển giá trốn thuế đã được các cơ quan quản lý Nhà Nước, đặc biệt là các cơ quan thuế tập trung xử lý trong những năm gần đây, nhờ đó mà hệ thống pháp luật liên quan đến thuế nói chung và đến quản lý chuyển giá đã được cải thiện, phù hợp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các nghĩa vụ về thuế và phát triển.
Trước hết, phải kể đến việc Bộ Tài Chính đã ban hành QD số 1250/QĐ-BTC ngày 21/05/2012 phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia quản lý chính sách chuyển giá của các doanh nghiệpd đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2012-2015. Theo đó thời gian qua công tác kiểm tra thuế đã được tăng cường mạnh hơn, đã có một số quy định mới về quản lý chuyển giá, như quy định về APA tại Điều 5 của Luật quản lý thuế đã nêu ở trên…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét