Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Xăng tăng giá phi lý


Theo các chuyên gia, tăng giá phải được coi là giải pháp cuối cùng trong điều hành xăng dầu.
Tối qua (20/5), Liên bộ Công Thương - Tài chính bất ngờ quyết định tăng giá xăng thêm 1.200 đồng/lít kể từ 20g cùng ngày, đồng thời giảm xả quỹ bình ổn giá (BOG) từ 1.437 đồng/lít xuống còn 1.054 đồng/lít với xăng khoáng, và từ 1.272 đồng/lít xuống còn 889 đồng/lít đối với xăng sinh học. Trong khi đó, thuế nhập khẩu xăng vẫn tiếp tục được giữ nguyên ở mức 20%. Sau khi tăng, giá xăng A92 có giá 20.430 đồng/lít.


Ngoại trừ dầu hỏa được giảm giá 60 đồng/lít từ 0h ngày 21/5, các mặt hàng dầu khác cũng tăng giá nhưng thấp hơn nhiều so với xăng: 500 đồng/lít đối với dầu diesel và ma dút. Riêng thuế nhập khẩu các loại dầu được xem xét giảm đáng kể, 2% - 7%. Thậm chí, quỹ BOG cho mặt hàng dầu cũng được nhích lên chút ít.

Theo các chuyên gia xăng dầu, động thái điều chỉnh giảm quỹ BOG với mặt hàng xăng cho thấy đây không còn được coi là “cây đũa thần” để có thể tận dụng triệt để trong điều hành giá. Việc giảm xả quỹ cũng được cho là rút kinh nghiệm từ những kỳ điều hành giá gây âm quỹ, khiến giá xăng tăng sốc.

“Tuy nhiên, giảm xả quỹ thì phải chuyển sang một công cụ khác, nhằm hỗ trợ bình ổn giá - ví dụ như thuế - chứ không thể không dùng thêm công cụ nào khác, trong khi giá thế giới tiếp tục leo thang”, một chuyên gia xăng dầu thắc mắc.

Theo ông, để không tạo gánh nặng cho người tiêu dùng, nhà nước cần cân nhắc hai yếu tố “tăng giá” hay “giảm thuế”. Trong đó tăng giá phải được coi là giải pháp cuối cùng, chứ sao tại tăng giá trước trong khi thuế suất nhập khẩu thì giữ nguyên?!

Theo tính toán của các doanh nghiệp (DN) xăng dầu, cả nước hiện nay tiêu thụ bình quân mỗi tháng khoảng 45 triệu lít xăng dầu các loại.


Trong đó, riêng các mặt hàng xăng chiếm tới 40%. Như vậy, khi xả quỹ BOG xăng dầu thì mặt hàng này sẽ ngốn quỹ nhiều nhất. Nếu giảm thuế để giảm áp lực lên giá xăng thì cũng chính mặt hàng này sẽ khiến nhà nước hụt thu nhiều nhất.

“Bởi vậy, giá xăng đã bị hạn chế chia sẻ gánh nặng về giá, trong khi các mặt hàng khác có vẻ được ưu ái hơn, nhằm bảo toàn lợi ích cho nhà nước thông qua thuế và cho DN, thông qua quỹ BOG”, một chuyên gia xăng dầu bình luận.

Một lý do khác được liên bộ Công Thương - Tài chính đưa ra nhằm lý giải cho động thái tăng giá xăng dầu lần này, là nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Bởi lẽ, giá bán xăng A92 hiện nay tại Campuchia là 22.344 đồng/lít, tại Lào là 22.988 đồng/lít, tại Trung Quốc là 20.296 đồng/lít; đều cao hơn giá bán tại Việt Nam.

Lý do này hoàn toàn không thuyết phục. Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong: “Để chống buôn lậu qua biên giới, cần có những biện pháp quản lý đồng bộ của các cơ quan chức năng.


Trong đó phải có chế tài đủ mạnh để răn đe những đối tượng làm ăn phi pháp, không thể lấy lý do đó để tăng giá xăng. Giữ giá xăng dầu trong nước ở mức ổn định, hợp lý là trách nhiệm chính của các cơ quan hữu trách”.


Theo Bộ Công Thương, giá xăng dầu thế giới biến động tăng liên tục khiến giá cơ sở tại kỳ tính giá ngày 20/5 đã có chênh lệch khá lớn: Xăng A92 cao hơn 2.254 đồng/lít; xăng E5 cao hơn 2.089 đồng/lít; dầu diesel 1.079 đồng/lít; dầu hỏa 782 đồng/lít; dầu ma dút 1.127 đồng/kg.






Theo Phương Nhung - Người Lao Động

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons