“Chất lượng nguồn nhân lực vẫn là điều lo ngại lớn, dẫn đến năng suất lao động thấp, làm cho hiệu quả và sức cạnh tranh của toàn nền kinh tế bị hạn chế”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế năm 2015 theo giá hiện hành ước tính đạt 79,3 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 3.657 USD/lao động). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2015 ước tính tăng 6,4% so với năm 2014.
Ông Lâm nói thêm, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm. Bình quân giai đoạn 2006 - 2015 tăng 3,9%/năm. Trong đó, giai đoạn 2006 - 2010 tăng 3,4%/năm; giai đoạn 2011 - 2015 tăng 4,2%/năm.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, năng suất lao động năm 2015 tăng 23,6% so với năm 2010, tuy thấp hơn so với mục tiêu đề ra là tăng 29% - 32%, nhưng tốc độ tăng năng suất lao động thời kỳ này cao hơn thời kỳ 2006 - 2010, góp phần thu hẹp dần khoảng cách tương đối so với năng suất lao động của các nước ASEAN.
Nếu tính theo sức mua tương đương 2005 (PPP), năng suất lao động của Singapore năm 1994 gấp 29,2 lần năng suất lao động của Việt Nam thì đến năm 2013, khoảng cách này chỉ còn gấp 18 lần.
Tương tự, khoảng cách giữa năng suất lao động của Malaysia và Việt Nam giảm từ 10,6 lần xuống 6,6 lần; Thái Lan từ 4,6 lần xuống 2,7 lần; Philippines từ 3,1 lần xuống 1,8 lần; Indonesia từ 2,9 lần xuống còn 1,8 lần…
Tuy nhiên, năng suất lao động của nước ta hiện nay vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và không đồng đều giữa các ngành và lĩnh vực. Khoảng cách tương đối về năng suất lao động tuy đã giảm đáng kể, nhưng khoảng cách tuyệt đối (chênh lệch mức năng suất lao động) giữa Việt Nam với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia lại gia tăng.
Theo ông Lâm, nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong khi năng suất lao động ngành nông nghiệp ở nước ta còn thấp.
Bên cạnh đó, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập, tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) còn thấp.
Ngoài ra, còn một số “điểm nghẽn” và “rào cản” về cải cách thể chế và thủ tục hành chính chưa được khắc phục.
Đồng thời, ông Nguyễn Bích Lâm cũng nhìn nhận rằng, nhìn chung, triển vọng của kinh tế nước ta trong những năm tới có nhiều yếu tố tích cực nhưng các ngành, các cấp và các địa phương phải nhận thức đúng và đủ những khó khăn, thách thức trên chặng đường phía trước để kịp thời có giải pháp khắc phục, vượt qua.
“Đồng thời, phải chủ động tận dụng cơ hội nhằm thực hiện tốt nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, tạo đà phát triển mạnh cho những năm tiếp theo”, ông Nguyễn Bích Lâm cho hay.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét