Năm 2016 là năm tiếp tục mọi thành tựu mà đã đạt đượ trong năm 2015. Việc phát triển có hiệu quả hay không hoàn toàn phụ thuộc vào quá trình tái cấu trúc để tăng tính chuyên nghiệp của các nhà quản lý, nhà đầu tư và người tiêu dùng....
Bong bóng bất động sản chưa thể hình thành
Theo đánh giá của GS Đặng Hùng Võ, gần đây, nhiều thông tin nghi ngại khả năng "bong bóng" BĐS có thể xuất hiện trở lại, tuy nhiên, việc này rất khó xảy ra.
"Nguyên nhân là do hiện nay chúng ta đang muốn hút vốn đầu tư vào thị trường mà chưa tạo được hiệu quả. Vậy thì không có lý do gì phải lo tới bong bóng BĐS khi giá đang rất ổn định, nhà đầu tư nhỏ lẻ chưa quyết định bỏ vốn vào đầu tư." - GS Đặng Hùng võ nói.
Theo ông Đặng Hùng Võ, những biểu hiện của bong bóng BĐS bao gồm: Giá tăng hàng ngày, hàng tuần và mặt bằng giá cao hơn nhiều so với giá BĐS xác định theo phương pháp thu nhập từ cho thuê (công thức là giá BĐS bằng tổng thu nhập năm từ cho thuê chia cho lãi suất ngân hàng cho vay đầu tư BĐS); Tín dụng BĐS tăng nhanh và các ngân hàng thương mại có xu hướng muốn tăng lãi suất, thị trường cũng đủ sức thu hút mọi nguồn vốn trong xã hội, nhất là vốn từ tiền tiết kiệm của dân, từ vốn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ; Thị trường BĐS nóng lên rất rõ với số lượng giao dịch tăng hàng ngày, hàng tuần; những người kinh doanh BĐS đạt lợi nhuận rất cao (vẫn gọi là siêu lợi nhuận).
"Trong tình trạng hiện nay, tất cả những biểu hiện trên đều không có. Một số dự án phát triển BĐS ở những vị trí thuận lợi có biểu hiện tăng giá ở mức một hai phần trăm sau một vài tuần phân phối hàng hóa so với giá chào lúc ban đầu. Việc tăng giá như vậy không phải do đầu cơ mà đơn giản chỉ là do lợi thế của riêng dự án đó, không phản ảnh xu hướng sốt giá trên toàn thị trường. Sự thực, hiện tượng tích tụ bong bóng có thể xẩy ra nhưng phải vài năm tiếp theo nếu quản lý không tốt." - GS Đặng Hùng Võ phân tích.
Giải pháp cho thị trường BĐS 2016
Theo GS Đặng Hùng Võ, để phát triển thị trường BĐS 2016, còn rất nhiều việc phải làm khi căn cứ vào các quy định đổi mới của Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh BĐS 2014. Trước hết, vấn đề an sinh xã hội về nhà ở là điều cần được đặt ra và xem xét chi tiết từng việc. Sau đó là tập trung phát triển các phân khúc có thể mang lại lợi ích chung cũng như lợi ích của các bên tham gia.
Ông Võ cho rằng, tiếp cận việc dự báo thị trường BĐS 2016 không nên theo hướng người ngoài cuộc xem xét và dự báo. Việc dự báo cần gắn với trách nhiệm của mỗi chúng ta, dù người đó là nhà quản lý hay nhà đầu tư hay người tiêu dùng. Mỗi người trên vị trí của mình cần làm những việc có thể làm được để thị trường tốt hơn, an toàn hơn và hiệu quả hơn.
Theo diễn biến của thị trường BĐS năm 2015, có thể thấy phân khúc nhà ở giá trung bình và giá trên trung bình có cơ hội phát triển mạnh. Thứ nhất, đó là phân khúc đã có chuyển động tích cực vào cuối năm 2015. Thứ hai, đây là phân khúc mang tính thị trường cao và phù hợp với khả năng thanh toán của đa số cầu hiện tại. Thứ ba, khi một phân khúc có điều kiện phát triển thì sẽ thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư vào đó.
Bên cạnh khả năng phát triển mạnh hơn của phân khúc giá trung bình và trên trung bình, phân khúc giá rẻ vẫn tiếp tục phát triển với nguồn cung ổn định hàng năm. Phân khúc này khó có điều kiện tăng cung mạnh vì yếu tố thị trường không cao, phụ thuộc rất nhiều vào sự trợ giúp của Nhà nước mà khả năng trợ giúp này lại luôn có hạn.
GS Đặng Hùng Võ cho rằng, hiện nay, khó có hy vọng năm 2016 sẽ có những bước ngoặt cho thị trường BĐS vì vẫn còn tồn tại một kho BĐS tồn đọng với giá trị gần 50 nghìn tỷ, đó làm một áp lực khác lớn. Hơn nữa, nhiều phân khúc quan trọng như phân khúc nhà ở cho thuê, phân khúc chung cư vẫn chưa có khả năng đưa ra các giải pháp phát triển tích cực. Nhu cầu thuê nhà của người nghèo, người có thu nhập thấp khá cao, khung pháp luật đã được cải thiện mạnh trong Luật Nhà ở 2014 nhưng cung vẫn chưa có khả năng tăng đáng kể do vẫn chưa có giải pháp vốn trung hạn và dài hạn. Tương tự, việc nâng cấp hay xây dựng lại các nhà chung cư cũ vẫn chưa có giải pháp thỏa mãn được nguyện vọng của cả cư dân lẫn nhà đầu tư.
Cần nhà quản lý chuyên nghiệp, nhà đầu tư chuyên nghiệp và người tiêu dùng chuyên nghiệp
Ông Đặng Hùng Võ đưa ra một số gợi ý về những việc cụ thể cần làm để thị trường BĐS 2016 có cơ hội phát triển tốt hơn.
Theo đó, nguồn tín dụng trung hạn và dài hạn nào có thể tận dụng được để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, cải tạo chung cư cũ nói riêng và cho thị trường BĐS nói chung là một câu hỏi lớn luôn đặt ra cho thị trường BĐS Việt Nam. Câu trả lời khả thi cho câu hỏi này chính là giải pháp chủ yếu để phát triển thị trường BĐS trong tương lai.
"Phải chăng khi đã mở chính sách cho người nước ngoài sở hữu nhà ở gắn với đất ở thì chúng ta có thể tiếp tục mở chính sách được thế chấp bằng BĐS ở Việt Nam tại các tổ chức tín dụng nước ngoài. Đây là cách duy nhất để tiếp cận vốn trung hạn và dài hạn." - GS Đặng Hùng Võ nói.
Ông cũng cho rằng, cơ chế cho vay tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, người có thu nhập thấp cần được điều chỉnh lại trên nguyên tắc thực hiện các tín dụng nhỏ với sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội. Điều quan trọng là giúp người nghèo cơ hội cải tạo nhà đang ở bằng chính hoàn cảnh sống của họ. Không áp dụng cơ chế "xin - cho" như vẫn hay làm trong thời gian qua.
GS đánh giá, cơ hội phát triển thị 2016 luôn phụ thuộc vào sức hấp dẫn sinh lợi khi đầu tư vào BĐS. Cơ hội này luôn phụ thuộc vào cách thức quản lý rủi ro trên thị trường. Trước hết, phải bảo đảm tính minh bạch của thị trường về thông tin để mỗi người có thể có dự báo riêng cho mình, lựa chọn cách đầu tư theo dự báo của mình. Tiếp theo, những rủi ro về quan hệ tài chính cũng cần được quản lý chặt chẽ, kể cả giao dịch chuyển quyền, giao dịch bảo đảm, giao dịch tài sản hình thành trong tương lai. Quản lý rủi ro tốt là bảo đảm mọi giao dịch trên thị trường đều an toàn, tạo sự hấp dẫn cho thị trường.
Thị trường BĐS Việt Nam đã trải qua giai đoạn đầu gắn với nền kinh tế chuyển đổi từ bao cấp sang thị trường. Sau giai đoạn trầm lắng và đóng băng, năm 2015 đang mở ra một giai đoạn tiếp theo với triển vọng lớn hơn gắn với tính chuyên nghiệp cao hơn.
"Trước đây cứ bỏ được tiền vào BĐS là nhìn thấy siêu lợi nhuận. Đến nay, khả năng sinh lợi như vậy không tồn tại nữa mà cần có những tính toán chuyên nghiệp hơn. Ví dụ như một nhà đầu tư có thể lựa chọn địa điểm đầu tư phù hợp với dự báo của mình. Có thể chọn một khu đất vàng ở trung tâm Hà Nội hoặc tp. Hồ Chí Minh hay chọn một vùng ven đô mà trong tương lai gần có thể trở thành một trung tâm đô thị mới, hay chọn một tỉnh ở xa có tiềm năng du lịch, v.v. Điều này có nghĩa là thị trường BĐS trong giai đoạn tiếp theo cần tới các nhà quản lý chuyên nghiệp, nhà đầu tư chuyên nghiệp và người tiêu dùng chuyên nghiệp." - GS Đặng Hùng Võ đưa ra lời khuyên.
Theo ông, tất cả các bên tham gia thị trường BĐS đều phải chung tay làm cho các chính sách mở trong Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 được thực thi trên thực tế.
"Ví dụ như chính sách cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài gia trực tiếp vào kinh doanh trên thị trường BĐS cần được các bên tham gia thị trường tạo niềm tin cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Sự tham gia này luôn kéo theo nguồn vốn đáng kể tham gia vào tạo tiềm năng vốn cho thị trường."
Ông Võ nhận xét, hệ thống thuế BĐS của Việt Nam đã quá lạc hậu, không tạo cả tăng thu ngân sách từ BĐS để phát triển hạ tầng và dịch vụ công cộng, mà cũng không mang lại hiệu quả quản lý đối với thị trường. "Ví dụ, chúng ta mất rất nhiều sức để cố gắng giải tỏa khu phố cổ Hà Nội nhưng vẫn chưa thể làm được gì. Trên thực tế, chỉ cần đánh thuế cao đối với BĐS tại khu phố cổ là có thể điều chỉnh lại phân bổ dân cư tại đây." - GS Đặng Hùng Võ nói.
Tóm lại, theo GS, năm 2016 là năm tiếp tục mọi thành tựu mà năm 2015 đã đạt được, tuy nhiên, việc phát triển có hiệu quả hay không hoàn toàn phụ thuộc vào quá trình tái cấu trúc để tăng tính chuyên nghiệp của các nhà quản lý, nhà đầu tư và người tiêu dùng.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét