Thị trường bán lẻ Việt Nam nhiều tiềm năng, với sức mua nhiều. ( Ảnh: NH. Bình)
Với hơn 90 triệu dân, thị trường bán lẻ Việt Nam được “xếp hạng” nhiều tiềm năng, có khả năng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, với sức mua nhiều, dân số đô thị tăng nhanh, Việt Nam sẽ là điểm nóng của doanh thu bán lẻ khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Hiểu được nhu cầu của thị trường, những năm trước, nhiều doanh nghiệp trong nước đã tham gia vào thị trường bán lẻ. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, không ít doanh nghiệp trong nước đã phải thoái lui, do không đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại. Bằng chứng là năm 2015, thị trường bán lẻ Việt Nam đã xảy ra hàng loạt thương vụ mua bán sáp nhập với giá trị hàng tỷ USD.
Khi các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Philipines đầu tư vào lĩnh vực siêu thị, kênh phân phối tại Việt Nam, thì các doanh nghiệp lớn của Thái Lan chọn việc mua lại hệ thống siêu thị nhằm chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam.
Là người hiểu rõ về hệ thống siêu thị, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết: Nhiều siêu thị khoe hàng Việt chiếm 80-90% trong hệ thống siêu thị, nhưng điều này không bền vững vì khi BJC của Thái Lan mua Metro, đại diện công ty này từng tuyên bố sẽ bán 60% hàng Thái Lan trong hệ thống siêu thị này. Càng lo lắng hơn vì hàng Thái Lan có chất lượng, giá cả cạnh tranh và đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Việt.
Vì sao các doanh nghiệp trong nước mất dần thị trường bán lẻ ngay trên “sân nhà”? Câu trả lời cũng tương tự như nhiều ngành nghề kinh doanh khác, đa số do nguyên nhân chủ quan gây ra.
Do doanh nghiệp trong nước luôn trong trình trạng thiếu vốn, hầu như đều lệ thuộc vào ngân hàng. Khi đã phụ thuộc vào nguồn vồn ngân hàng, thì rất khó chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời còn góp phần làm “đội giá” hàng hóa, sản phẩm.
Do năng lực quản trị doanh nghiệp không cao, cùng với chưa có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành bán lẻ, hệ thống phân phối theo chuẩn quốc tế.
Doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực mạnh ai người ấy làm, chưa biết cách cùng nhau liên kết để cạnh tranh lành mạnh với doanh nghiệp ngoại.
Hệ thống siêu thị, mạng lưới bán lẻ ở không ít đô thị lớn chưa được quy hoạch bài bản, khoa học, nhiều khi chỉ mang tính tự phát, phong trào. Bằng chứng là khi thị trường bán lẻ sôi động, thì đua nhau mở siêu thị, trung tâm thương mại ở những nơi khó có cơ hội phát triển dài hạn, đến khi kinh doanh không có lợi nhuận thì đồng loạt thoái lui hoặc nhượng lại cho doanh nghiệp ngoại.
Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với nhiều quốc gia trên thế giới, đã tham gia thị trường tự do ASEAN và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được thực hiện trong một tương lai gần. Đó là cơ hội mở cho tất cả các doanh nghiệp trong nước, trong đó có doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại.
Cơ hội đồng nghĩa với thách thức đã và đang dược mở ra, nhưng điều quan trọng là các doanh nghiệp nội phải chuẩn bị thật tốt “hành trang” (tri thức, vốn, khoa học - công nghệ, chiến lược kinh doanh...) bước vào “sân chơi” lớn, mà ở đó không có chuyện “ xin- cho”, tất cả đều tuân thủ nguyên lý của thị trường cạnh tranh lành mạnh./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét