Giá dầu mỏ thế giới liên tục giảm vào những ngày cuối năm 2015, xuống mức thấp kỷ lục 35 USD/thùng – đúng bằng mức giá bắt đầu chu kỳ giá dầu cao năm 2004. Ngay sau khi giá dầu giảm, các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách đã đặt ra câu hỏi về kịch bản nào đối với giá dầu thế giới năm 2016. Giá dầu mỏ thế giới năm 2016 tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam sẽ được phân tích trong nội dung bài viết.
Giá dầu năm 2015 và những hiệu ứng cung - cầu
Vào nửa cuối năm 2014, giá dầu thế giới bắt đầu giảm mạnh. Những dự báo được xem là bi quan vào thời điểm đó cho rằng, khoảng giá “bền vững” sẽ dừng ở mức 45-50 USD/thùng và sớm tăng trở lại vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, những dự báo này lại trở thành quá lạc quan khi những giao dịch trên thị trường giao ngay tuần vừa qua vào tuần thứ 2 tháng 12/2015 giá dầu đã rơi về mức 35 USD/thùng và đó vẫn chưa phải là đáy (Hình 1). Kịch bản giá dầu của những năm 1986 dường như lại lặp lại.
Việc giá dầu năm 2015 giảm xuống mức 35 USD/thùng là hoàn toàn có cơ sở khoa học và thực tiễn. Về phương diện lý thuyết, khi phân tích giá dầu, cần phân biệt rõ ràng các yếu tố giải thích dao động của giá trong ngắn hạn và dài hạn là rất khác nhau. Nếu trong ngắn hạn, đặc trưng ít co giãn của lượng cung và lượng cầu so với sự thay đổi của giá; ảnh hưởng từ các thể thức thương mại quốc tế về dầu mỏ trên các thị trường vật lý và thị trường chứng khoán làm cho giá dầu vô cùng nhạy cảm và biến động mạnh thì trong dài hạn, yếu tố quyết định mức giá sẽ là chi phí sản xuất và cung ứng. Đó là nguyên lý kinh tế cơ bản.
Nếu như giá dầu dao động cao hơn nhiều so với chi phí sản xuất và kéo dài theo thời gian, các hiệu ứng tiết kiệm và hiệu ứng thay thế từ phía cầu sẽ làm lượng cầu giảm. Hiệu ứng đầu tư (giá cao hấp dẫn đầu tư) và hiệu ứng chi phí (được hiểu là khi giá cao những mỏ dầu trước đây không khai thác kinh tế trở thành khai thác kinh tế) từ phía cung sẽ làm cho lượng cung tăng. Khi đó, giá dầu sẽ điều chỉnh giảm về gần chi phí. Tương tự, nếu giá dầu dao động ở mức thấp và cũng kéo dài, các hiệu ứng từ hai phía sẽ tác động theo chiều ngược lại làm cho lượng cầu tăng và lượng cung giảm, giá dầu chắc chắn sẽ điều chỉnh tăng lên.
Tóm lại, trong dài hạn, giá dầu vận động theo các chu kỳ cao, thấp xung quanh chi phí sản xuất. Chúng ta có thể quan sát các chu kỳ giá đặc biệt là từ khủng hoảng dầu lửa lần thứ nhất năm 1973.
Trở lại với giá dầu trong năm 2015, chúng ta đều biết trước đó từ năm 2004 cho đến năm 2014, giá tăng liên tục từ mức 50 USD/thùng và đạt đỉnh ở giai đoạn 2011-2014 khi giá dầu luôn ở mức trên 100 USD/thùng.
Giá dầu tăng cao liên tục lại duy trì trong một thời gian dài làm cho các hiệu ứng cung - cầu đủ thời gian để có hiệu lực. Những minh chứng đơn giản nhất có thể thấy là từ phía cầu với xu hướng thiết kế các động cơ tiết kiệm và hiệu quả năng lượng (lượng cầu giảm) và từ phía cung hiệu ứng đầu tư mà nổi bật nhất là thành công của công nghệ sản xuất dầu từ đá phiến ở Mỹ đã làm cho lượng cung tăng một cách rõ rệt (Hình 2).
Cung tăng và cầu giảm thì không ngạc nhiên khi giá dầu giảm xuống. Đặc biệt hơn, với các vấn đề địa chính trị hết sức nhạy cảm tại các khu vực dầu mỏ như: Nga, Trung Đông, Mỹ… càng làm cho lượng cung vốn dĩ đã dư thừa lại càng dư thừa hơn nên sau một chu kỳ tăng cao và kéo dài, giá dầu thế giới rơi về chu kỳ giá thấp và giảm sâu tới mức 35 USD/thùng vào cuối năm 2015.
Kịch bản giá dầu năm 2016
Mặc dù dự báo có rất nhiều yếu tố bất định diễn ra sau đó, tuy nhiên về mặt logic, giá dầu năm 2016 chắc chắn sẽ vẫn giữ ở chu kỳ giá thấp. Đặc biệt, đối với sản phẩm đặc thù như dầu mỏ thì chu kỳ dao động không thể là 6 tháng hay 1 năm như chúng ta đã chứng kiến trong lịch sử dầu mỏ với chu kỳ giá thấp từ năm 1986 kéo dài tới tận đầu những năm 2000. Vì vậy, kịch bản giá thấp dường như là rất khó tránh khỏi. Rất khó có một kịch bản giá dầu tăng trở lại vào năm 2016, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế, địa chính trị thế giới, hiện trạng thị trường dầu mỏ như hiện nay.
Trước hết, với Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), dù các thành viên OPEC không hành xử như thời chiến tranh giá năm 1986 nhưng cuộc họp vào ngày 4/12/2015, Tổ chức này không hề có ý định cắt giảm sản lượng và Iran thậm chí còn công khai sẽ tăng sản lượng. Điều đáng nói là mỏ dầu của OPEC có chi phí cung ứng rất thấp và hành vi của OPEC dường như đã sẵn sàng cho chiến tranh giá dầu mới.
Tuy vậy, cường quốc kinh tế số 1 thế giới - Mỹ, đồng thời cũng là chủ thể quan trọng nhất trên thị trường dầu mỏ thế giới trên cả hai góc độ là sản xuất và tiêu dùng, mới đây cũng đã có quyết định mang tính lịch sử khi trải qua 40 năm, lệnh cấm xuất khẩu dầu thô cũng đã chính thức kết thúc. Quyết định địa chính trị này của Mỹ dù nhằm vào quan hệ Nga - Mỹ hay OPEC thì Mỹ vẫn sẽ tiếp tục đẩy lượng cung dầu thô gia tăng. Cũng trong bối cảnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa đưa ra quyết định điều chỉnh lãi suất và thùng dầu mỏ sẽ được trả bằng ít đô la hơn, nói cách khác là giá dầu sẽ giảm đi.
Nga, một nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu dầu khí cũng bị tác động mạnh khi giá dầu giảm. Dù khả năng xoay sở của Tổng thống Putin là không phải bàn cãi trong nỗ lực cơ cấu nguồn thu ngân sách quốc gia nhưng với các lệnh cấm vận từ Mỹ hay phương Tây, Nga cũng sẽ không có lý do gì cắt giảm sản lượng cung ứng và dù nước này có cắt giảm thì sản lượng từ OPEC cũng sẽ có thể bù lại đủ. Đó là chưa kể các cường quốc dầu mỏ khác như Iraq hay Iran, sau một thời gian dài cấm vận, dòng chảy dầu mỏ vào thị trường quốc tế là cần thiết cho quá trình tái thiết kinh tế của các nước vùng vịnh. Như vậy, liệu có những khả năng nào khác để lượng cung về dầu mỏ năm 2016 không dư thừa?
Về phía lượng cầu dầu mỏ thế giới, nhiều dự báo đưa ra là khó có những đột biến tăng khi kinh tế Trung Quốc đã khép lại thời kỳ phát triển quá nóng. Xu hướng sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng được triển khai ở hầu hết các nước trên thế giới và xu hướng này chắc chắn sẽ kéo dài trong lộ trình thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính vừa được cam kết tại Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21).
Tóm lại, với lượng cung đủ đảm bảo đáp ứng lượng cầu dầu mỏ ở mức chi phí 20-35 USD/thùng, thì khoảng dao động giá dầu sẽ chỉ từ 25-40 USD/thùng cho năm 2016. Thậm chí nếu các chủ thể thị trường như: Mỹ, Nga, OPEC trong cấu trúc độc quyền nhóm lựa chọn chiến lược vượt trội (chiến lược phi hợp tác), cân bằng được thiết lập trên thị trường thì giá dầu có thể sẽ về ngưỡng 20-25 USD/thùng.
Kinh tế Việt Nam và tác động từ giá dầu thế giới
Dù vai trò của Việt Nam trên thị trường dầu mỏ thế giới là không lớn nhưng thị trường dầu mỏ Việt Nam lại khá đặc thù và chịu nhiều tác động. Chúng ta xuất khẩu dầu thô và nhập khẩu hầu hết các sản phẩm dầu mỏ. Với sự phụ thuộc đa chiều vào thị trường dầu mỏ thế giới nên những biến động về giá dầu thế giới cũng gây ra những tác động đa chiều tới kinh tế Việt Nam.
Trước hết trên quan điểm là nước xuất khẩu dầu thô và doanh thu dầu thô luôn chiếm từ 10 - 20% trong tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN), với giá dầu thấp phải gánh chịu những thiệt hại trực tiếp từ khi giảm sút của doanh thu và nguồn thu ngân sách. Việc giá dầu thô giảm sâu sẽ gây hậu quả xấu tới cân đối ngân sách trong bối cảnh các nhiệm vụ chi theo dự toán ngày càng tăng cao. Muốn đảm bảo các nhiệm vụ chi NSNN theo dự toán, đồng thời không làm tăng quy mô thâm hụt NSNN bắt buộc Chính phủ phải khai thác nguồn thu khác để bù đắp khoản hụt thu do giảm giá dầu.
Trái lại, trên phương diện Việt Nam là một nước nhập khẩu một lượng lớn xăng dầu thành phẩm (với hơn 70% lượng xăng dầu nhập khẩu), khi giá dầu giảm, giá các thành phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới giảm theo sẽ làm giảm nhẹ hóa đơn xăng dầu của người tiêu dùng Việt Nam. Trên thị trường nội địa, chúng ta cũng đã nhận được các đợt điều chỉnh giảm liên tục giá các sản phẩm xăng dầu từ điều hành của Nhà nước. Một khi chi tiêu cho xăng dầu giảm thì thu nhập khả dụng của người tiêu dùng còn lại cho các sản phẩm hàng hóa khác sẽ tăng lên và sự gia tăng sức mua cho người dân trong nước sẽ góp phần làm tăng GDP.
Đặc biệt, việc giảm giá dầu thành phẩm lại là cơ hội để phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước khi xăng dầu là yếu tố đầu vào quan trọng của rất nhiều hoạt động kinh tế. Thông qua phát triển kinh tế trong nước và xuất khẩu phi dầu mỏ, cơ cấu thu NSNN sẽ chuyển dịch sang nhiều hơn vào thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước. Đây là cơ hội để Nhà nước có thể giải quyết các vấn đề bất cập về cơ cấu thu NSNN với nguy cơ thiếu bền vững do vẫn dựa rất lớn vào thu từ khai thác dầu mỏ (lĩnh vực phụ thuộc rất nhiều vào biến động trên thị trường quốc tế). Định hướng này là hoàn toàn phù hợp trong điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là khi kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi và tăng trưởng trở lại. Đó là chưa kể các hiệu ứng tích cực khác của việc giá dầu giảm tới kinh tế của đất nước như việc hỗ trợ tích cực cho việc kiểm soát lạm phát.
Tuy vậy, nhìn lại các tác động của giá dầu giảm tới kinh tế Việt Nam năm 2015, khách quan có thể thấy, chúng ta chưa thực sự chủ động trong việc khai thác hiệu ứng tích cực của giá xăng dầu giảm. Đơn cử như xăng dầu là đầu vào của sản xuất điện hay trong giao thông vận tải, nhưng chưa thấy giá điện, hay giá taxi điều chỉnh giảm với mức tương ứng theo logic giá đầu vào giảm. Dường như “giá xăng dầu thấp cho phát triển kinh tế” chưa được thực sự quan tâm và tận dung hết các khía cạnh tích cực của nó.
Năm 2016, sẽ rất khó cho một kịch bản giá dầu tăng trở lại. Vì vậy, cần thừa nhận một kịch bản giá dầu thấp và có thể kéo dài để chủ động trong việc lập các kế hoạch thu – chi ngân sách ở quy mô quốc gia, cơ cấu thu NSNN phù hợp, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế với đầu vào là xăng dầu có giá thấp, từ đó mới có thể tận dụng được các cơ hội từ việc giá dầu giảm mạnh.
Tóm lại, với kịch bản giá dầu thấp trong năm 2016, việc chúng ta có tận dụng thành công cơ hội của giá dầu thấp nằm ở việc khai thác tối đa các ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế đất nước của việc giảm giá xăng dầu như đã phân tích ở trên để cuối cùng tác động ròng hay tác động tổng hợp của việc giảm giá dầu phải góp phần gia tăng GDP và phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Điều hành chính sách trong năm 2016
Trước hết, về khai thác và xuất khẩu, dầu thô câu hỏi đặt ra là có nên khai thác dầu để xuất khẩu với số lượng lớn như hiện nay? Về vấn đề này công tác điều hành, ra quyết định cần phải có dữ liệu về chi phí một cách đầy đủ. Nếu giá ở chu kỳ thấp nhưng mỏ dầu của Việt Nam tiếp tục có thể khai thác kinh tế (do chi phí sản xuất thấp) thì việc tiếp tục cung ứng là điều cần thiết vì vẫn đảm bảo khả năng sinh lời cho công nghiệp dầu mỏ và góp phần đảm bảo nguồn thu NSNN. Nếu chi phí cung ứng cao, được hiểu là khai thác không kinh tế thì phải cân nhắc về sản lượng cung ứng, không nên khai thác để xuất khẩu bằng mọi giá.
Thứ hai, kịch bản giá dầu thấp là điều khó tránh khỏi đối với năm 2016, do vậy, trong công tác điều hành giá, Nhà nước nên có những điều chỉnh các thành phần của biểu giá theo quan điểm ít có rủi ro về việc tăng giá trở lại. Theo đó, các thành phần như dự phòng trong quỹ bình ổn, phí xăng dầu hay các loại thuế… có thể xem xét điều chỉnh cho phù hợp nhằm đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng xăng dầu, phù hợp hơn với chu kỳ giá thấp trên thị trường dầu mỏ quốc tế, tăng tiêu dùng khả dụng của người dân đồng thời thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong nước.
Thứ ba, giá xăng A92 ở nước ta chỉ bằng 60% giá xăng tại Campuchia. Nếu không quản lý chặt chẽ thì tình trạng buôn lậu sẽ xảy ra. Vì thế, cùng với việc điều chỉnh giá giảm là việc kiểm soát chặt chẽ lượng cung để hạn chế hoạt động thẩm lậu xăng dầu.
Thứ tư, trong công tác điều hành chính sách, khi Nhà nước đã sẵn sàng cho một kịch bản giá xăng dầu thấp thì đi kèm với nó cần có một kế hoạch cụ thể để khai thác các hiệu ứng tích cực từ việc giá xăng dầu giảm. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược là đầu vào quan trọng của nhiều hoạt động kinh tế... giá xăng dầu giảm, chi phí đầu vào giảm, cần có sự điều hành linh hoạt đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước phù hợp với logic giá đầu vào giảm. Khi đó, giảm nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ, nhưng tăng nguồn thu từ sản xuất kinh doanh trong nước do giá dầu giảm thậm chí còn mang lại hiệu ứng ròng tích cực đối với kinh tế Việt Nam.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét