Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

Giá dầu sẽ đi về đâu?


Mặc dù giá dầu thô giảm và đang ở mức rất thấp trong mấy tháng gần đây, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc giá dầu giảm thấp trong 2 tháng cuối năm 2015 chỉ mang tính chất tạm thời và không kéo dài lâu, giá dầu sẽ có xu hướng tăng nhẹ, nhưng vẫn thấp, xoay quanh 40 - 55 USD/thùng trong năm 2016.

gia dau se di ve dau
Ảnh minh họa.
Sự gia tăng của giá dầu thời gian tới được cho là do nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ tích cực hơn bởi tăng trưởng thế giới khả quan trong năm 2016, đồng thời, nguồn cung dầu sẽ được điều tiết ở mức hợp lý. Theo đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ cải thiện trong năm 2016, trừ Trung Quốc. Theo báo cáo của nhiều tổ chức quốc tế như OPEC (tháng 12/2015), IMF (tháng 10/2015), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB, tháng 9/2015) và Ngân hàng Thế giới (WB, tháng 10/2015), tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 có thể đạt mức 3,6 % (tăng từ 0,3 - 0,5 điểm phần trăm so với năm 2015), khu vực đồng tiền chung châu Âu là 1,6% (tăng 0,1 điểm phần trăm so với năm 2015)... làm tăng nhu cầu về dầu.
Theo EIA (tháng 12/2015), nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2016 sẽ ở mức 95,22 triệu thùng/ngày, tăng 1,4 triệu thùng/ngày so với năm 2015, cao nhất trong vòng 10 năm, trong khi đó, cung dầu sẽ chỉ ở mức 95,79 triệu thùng/ngày, tăng nhẹ 0,25 triệu thùng/ngày so với năm 2015, đồng thời, thặng dư cung dầu cũng xuống mức thấp, chỉ còn khoảng 0,57 triệu thùng/ngày.
Mặc dù dư cung giảm, nhu cầu tiêu thụ dầu tăng, nhưng do tồn kho dầu thời gian qua ở mức cao, nhập khẩu dầu của Trung Quốc giảm cùng với sự sụt giảm của nền kinh tế, bởi vậy sự biến động của giá dầu còn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro và khó dự đoán. Theo Báo cáo giá cả thị trường và bất ổn của EIA (tháng 12/2015), xác suất để giá dầu thô kỳ hạn 1 - 6 tháng ở mức dưới 40 USD/thùng là dưới 35%, trong khi, xác suất để giá dầu tăng trên 50 USD/thùng ở kỳ hạn này là dưới 34%.
Trong khi đó, Báo cáo triển vọng giá cả và rủi ro của IMF (tháng 12/2015) đánh giá khả năng giá dầu thô kỳ hạn từ 3 - 6 tháng ở mức dưới 50 USD/thùng có thể lên tới 96% (dưới 40 USD/thùng là dưới 68%), đồng thời, khả năng để các mức giá này tăng/giảm 10% có thể lên tới 40% (khả năng giá dầu tăng lớn hơn khả năng giá dầu giảm là 5 điểm phần trăm). Sự không chắc chắn này được cho là chịu tác động bởi một số yếu tố:
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được dự báo là tiếp tục giảm sút trong năm 2016, có khả năng chỉ còn 6,3% trong năm 2016 và 5,5% năm 2018 - mức tăng trưởng thấp nhất trong 20 năm qua, đồng thời, dự trữ dầu của Trung Quốc cũng đã đạt hơn 2/3 mức mục tiêu chiến lược dữ trữ dầu quốc gia, tuy nhiên, Trung Quốc có thể bất chấp tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm lại để mở rộng kho dự trữ dầu nhằm tranh thủ khi giá dầu giảm thấp như đã làm trong năm 2015, điều này có thể làm tăng cầu về dầu và đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu cao hơn ước tính.
Thứ hai, tăng trưởng kinh tế Mỹ mặc dù được dự đoán là tích cực hơn trong năm 2016, song, Mỹ đang phải đối mặt với một số vấn đề như nâng lãi suất USD, mở rộng ngân sách nhằm tăng chi cho quốc phòng và một lượng lớn giàn khoan dầu cũng như nhân công lao động tạm ngừng làm việc do giá dầu giảm thấp... có thể sẽ gây ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đồng USD vẫn đang ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm, nếu kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định trong năm tới thì khả năng giá dầu tăng là rất thấp.
Thứ ba, về mặt dài hạn, giá dầu thô sẽ khó có thể duy trì mức thấp kéo dài do các nguồn nhiên liệu thay thế như nhiên liệu sinh học, dầu cát, dầu đá phiến... đều có chi phí khai thác khá lớn, sản lượng giảm nhanh. Giá dầu ở mức thấp sẽ làm cho việc nghiên cứu, thăm dò, khai thác các nguồn nhiên liệu mới thay thế trở nên ít hấp dẫn hơn và sẽ không khuyến khích được các nhà đầu tư tham gia, ảnh hưởng tới nguồn cung dầu trong trung hạn, đồng thời cũng ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư dài hạn của các nước có nguồn tài chính dựa vào nguồn thu từ dầu.
Thứ tư, sự gia tăng nguồn cung mạnh mẽ từ các nước OPEC sau một thời gian bị gián đoạn có thể khiến giá dầu khó tăng trong ngắn hạn, đặc biệt là sự phục hồi nguồn cung dầu của Iran có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung dầu, đặc biệt là kể từ sau ngày 18/10/2015 - khi lệnh trừng phạt đối với Iran được các nước phương Tây dỡ bỏ hoàn toàn. Và theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Iran có thể tăng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày vào đầu năm 2016 và đạt mức sản lượng 4,7 triệu thùng/ngày trong năm 2017, tăng gần gấp đôi mức sản lượng hiện tại sau khi Mỹ và phương Tây dỡ bỏ lệnh cấm vận.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons