Ươm giống cây cà-phê chất lượng cao tại Trung tâm giống cây trồng Eakmat, Viện Khoa học, kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, TP Buôn Ma Thuột (Đác Lắc). Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG
Cà-phê là cây trồng chủ lực ở Đác Lắc, chiếm hơn 70% tổng diện tích cây công nghiệp dài ngày và 33% tổng diện tích gieo trồng của tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và những bất cập trong ngành cà-phê khiến việc sản xuất cà-phê ở Đác Lắc đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi những giải pháp chiến lược, lâu dài để phát triển bền vững.
Chồng chất khó khăn
Nhiều năm qua, tỉnh Đác Lắc đã tập trung các nguồn lực khai thác tốt tiềm năng đất đai, nhất là nguồn tài nguyên đất đỏ ba-dan để phát triển cây cà-phê, đưa Đác Lắc trở thành thủ phủ cà-phê của cả nước. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Đác Lắc, đến nay toàn tỉnh có 203.746 ha cà-phê, chiếm gần 41% diện tích cà-phê của Tây Nguyên và 30% diện tích cà-phê của cả nước, với sản lượng mỗi năm đạt từ 450.000 tấn cà-phê nhân trở lên. Đây cũng là mặt hàng nông sản chiếm đến 86% kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản, đóng góp hơn 60% tổng thu ngân sách hằng năm của tỉnh. Bên cạnh đó, việc sản xuất cà-phê ở Đác Lắc còn giải quyết việc làm cho hơn 300.000 lao động trực tiếp và hơn 100.000 lao động gián tiếp. Đời sống của những hộ đồng bào dân tộc trồng cà-phê trong tỉnh ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng, số hộ nghèo giảm nhanh…
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Đác Lắc Huỳnh Quốc Thích, trong những năm giá cà-phê tăng cao, người dân trong tỉnh ồ ạt trồng khiến cho diện tích cà-phê tăng nhanh, vượt quá quy hoạch. Theo quy hoạch đã được UBND tỉnh Đác Lắc phê duyệt, đến năm 2015 diện tích cà-phê của tỉnh là 180.000 ha với sản lượng 450.000 tấn, đến năm 2020 diện tích ổn định là 170.000 ha, sản lượng 430.000 tấn, nhưng đến cuối năm 2015 diện tích cà-phê của tỉnh đạt 203.746 ha, vượt hơn 23.746 ha so với quy hoạch. Nhiều diện tích trồng không thích hợp như tầng đất nông, độ dốc lớn, thiếu nguồn nước tưới… Trong khi đó, hệ thống thủy lợi phục vụ tưới cà-phê toàn tỉnh chỉ khoảng 46.163 ha, chiếm 25% diện tích cà-phê, 75% diện tích còn lại phải sử dụng nước tưới từ giếng đào, giếng khoan và bơm trực tiếp từ sông, suối.
Gia đình ông Nguyễn Viết Sáu, ở xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, trồng được 2 ha cà-phê đang trong thời kỳ kinh doanh. Những năm trước đây, nhờ lượng nước tưới đầy đủ nên mỗi năm ông thu về gần 10 tấn cà-phê nhân, còn hai năm gần đây do hạn nặng, thiếu nước tưới nghiêm trọng nên mỗi năm ông chỉ thu được năm tấn cà-phê nhân. Ông Sáu nói: “Thiếu nguồn nước tưới khiến năng suất, chất lượng cà-phê giảm mạnh nên không có lãi, thậm chí lỗ nặng”. Không riêng gia đình ông Sáu, trong mùa khô 2014-2015, tỉnh Đác Lắc có hơn 40.000 ha cà-phê bị khô hạn nặng, trong đó nhiều diện tích giảm năng suất và mất trắng.
Cơ cấu diện tích cà-phê ở Đác Lắc khá manh mún. Đến nay chỉ có khoảng hơn 10% diện tích cà-phê trong tỉnh do các doanh nghiệp quản lý, gần 90% diện tích còn lại do các hộ cá thể quản lý, với quy mô trung bình 0,8 đến 1 ha/hộ. Vì vậy, để triển khai đồng bộ những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đầu tư chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cà-phê từ khâu sản xuất, thu hoạch đến xuất khẩu còn nhiều bất cập. Hiện có khoảng 80% số vườn cà-phê trong tỉnh được người dân trồng bằng cây thực sinh tự ươm hạt của cây bố mẹ mà không qua chọn lọc và kiểm nghiệm của các ngành chức năng. Do vậy, năng suất cà-phê không cao, kích thước hạt nhỏ, không đồng đều, chín không tập trung và dễ bị nhiễm bệnh. Cùng với đó, tình trạng người dân lạm dụng bón phân hóa học, phun thuốc bảo vệ thực vật, tưới nước với lượng lớn… để đạt được năng suất tối đa, không những làm cho cây cà-phê nhanh chóng bị kiệt sức, sớm già cỗi mà còn làm cho môi trường đất bị ô nhiễm nghiêm trọng, phát sinh nhiều loại sâu bệnh.
Hiện nay cà-phê Robusta của tỉnh được xuất khẩu sang hơn 60 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng việc xuất khẩu chủ yếu thông qua hình thức trung gian, chưa tham gia giao dịch trực tiếp trên các sàn giao dịch thế giới. Các doanh nghiệp xuất khẩu cà-phê cũng chỉ áp dụng tiêu chuẩn chất lượng theo hình thức thỏa thuận, hình thành qua quá trình buôn bán với các nhà nhập khẩu nước ngoài. Chính vì vậy, sản lượng và chất lượng cà-phê của Đác Lắc chưa được thị trường xuất khẩu đánh giá cao, giá cả và số lượng thu mua khá bấp bênh… Một thách thức lớn nữa là trong những năm gần đây, giá cà-phê luôn ở mức thấp, không có lợi cho người sản xuất cũng như doanh nghiệp xuất khẩu khiến việc tái đầu tư cho vườn cà-phê còn nhiều hạn chế nên năng suất, chất lượng không cao…
Cần chiến lược dài lâu
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đác Lắc Nguyễn Hải Ninh cho biết: Đác Lắc xác định cây cà-phê vẫn giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Vì vậy, quan điểm của tỉnh là không tăng diện tích cà-phê ngoài quy hoạch mà tập trung tái canh cà-phê theo hướng nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2020 diện tích cà-phê của tỉnh ổn định là 170.000 ha, với sản lượng 430.000 tấn, giảm khoảng 33.000 ha so với hiện nay. Để thực hiện được điều này, tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát phân loại, xác định diện tích cà-phê tái canh, xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp huy động nguồn lực thực hiện có hiệu quả diện tích cà-phê cần tái canh giai đoạn 2013-2020. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh mở rộng diện tích sản xuất cà-phê bền vững theo tiêu chuẩn UTZ, 4C, RFA, FLO. Hiện tại, toàn tỉnh đã có hơn 102.000 ha cà-phê được chứng nhận UTZ, 4C, RFA, FLO. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đang chỉ đạo Hiệp hội Cà-phê Buôn Ma Thuột hoàn thiện hồ sơ để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý Cà-phê Buôn Ma Thuột tại nhiều thị trường trên thế giới. Trong điều kiện hội nhập hiện nay, người tiêu thụ cà-phê đòi hỏi sản phẩm phải có xuất xứ rõ ràng và phải có giấy chứng nhận, vì vậy việc tổ chức lại sản xuất cho các hộ nông dân, hình thành các hợp tác xã trong ngành cà-phê để xây dựng cánh đồng mẫu lớn là hết sức cần thiết. Chỉ có tổ chức lại sản xuất thì mới có điều kiện áp dụng được tiến bộ khoa học, hỗ trợ tài chính, khuyến nông, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu hoặc giấy chứng nhận chất lượng cho từng vùng nguyên liệu.
Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Đác Lắc Huỳnh Quốc Thích đề nghị: Để phát triển bền vững cây cà-phê, điều quan trọng nhất hiện nay là thắt chặt mối liên kết của “bốn nhà” trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà-phê. Trong đó, cần tăng cường tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn về khoa học - kỹ thuật trong sản xuất cà-phê tại các địa phương nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích cà-phê không phù hợp sang các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao, từng bước quy hoạch vùng cà-phê thích hợp. Đối với những diện tích cà-phê già cỗi sau khi cưa phục hồi, ngành nông nghiệp hỗ trợ giống để nông dân ghép cải tạo bằng các dòng vô tính có chọn lọc, hoặc thay thế bằng giống mới được kiểm nghiệm đầy đủ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng. Để bảo đảm nước tưới cho cây cà-phê, HĐND tỉnh đã thông qua đề án phát triển thủy lợi trong vùng cà-phê bền vững giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025 với tổng nguồn vốn 15.310 tỷ đồng. Với đề án này, tỉnh Đác Lắc phấn đấu đến năm 2020 diện tích cà-phê được tưới chủ động từ các công trình thủy lợi tăng thêm 40%, tương ứng với diện tích 74.247 ha.
Trong khi đó, tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông-lâm nghiệp Tây Nguyên chia sẻ: Để phát triển cây cà-phê, vấn đề cây giống là yếu tố kỹ thuật quan trọng hàng đầu, tạo ra bước đột phá trong việc tăng năng suất, phẩm chất cây trồng cũng như các đặc tính chống chịu khô hạn, sâu bệnh. Vì vậy, trong thời gian qua Viện đã tập trung các nguồn lực nghiên cứu, lai tạo thành công các giống cà-phê mới. Về mặt kỹ thuật, Viện cũng đã hoàn thành quy trình kỹ thuật trồng tái canh cà-phê để hướng dẫn các địa phương thực hiện. Vấn đề hiện nay là, Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư quốc gia và tỉnh phải ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ chương trình tái canh cà-phê, tập trung cho các hoạt động tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn để nhân rộng trong nhân dân...
Ngoài sự nỗ lực của địa phương, tỉnh Đác Lắc kiến nghị các bộ, ngành trung ương cần có một số chính sách hỗ trợ trồng tái canh, thu mua, chế biến, tạm trữ, quảng bá, xây dựng thương hiệu... để việc sản xuất cà-phê được bền vững.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét