Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Thị trường bán lẻ Việt Nam có còn hấp dẫn?

Sau khi hệ thống siêu thị Metro đổi chủ, mới đây, người tiêu dùng lại bất ngờ trước thông tin hệ thống siêu thị BigC cũng đang trong kế hoạch đổi chủ của công ty mẹ Casino Group (Pháp). Điều này cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện đang là mảnh đất màu mỡ, thế nhưng, liệu ông chủ mới có đáp ứng được nhu cầu, thói quen mua sắm của người Việt…Thay đổi để thích ứng
Những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều thay đổi đáng kể. Trong cơ cấu của nền kinh tế, không thể không nhắc tới vai trò to lớn của ngành kinh doanh bán lẻ nói chung và hệ thống siêu thị nói riêng. Chúng ta có thể dễ nhận ra sự thay đổi đó từng ngày, từng giờ. Với việc dân số hơn 90 triệu người, là một trong những quốc gia có tốc độ tăng dân số nhanh và cơ cấu dân số trẻ, số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70,29%, cũng đồng nghĩa với việc xu hướng tiêu dùng của người dân với các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng cao.
Sau Metro, đến lượt BigC rục rịch đổi chủ?
Trong khi đời sống được nâng lên, dân trí cải thiện, quá trình hội nhập toàn diện đang diễn ra, người dân cũng bắt đầu quen dần với các hình thức kinh doanh kiểu mới. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ tiềm năng nhất thế giới. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà các tập đoàn lớn trên thế giới như: Aeon – Nhật Bản, Lotte – Hàn Quốc, Metro – Đức, BigC – Pháp, Walmart – Mỹ…đang cố gắng chen chân vào thị trường đầy tiềm năng này.
Thị trường bán lẻ ở Việt Nam tiềm năng là vậy, nhưng hiện nay, chúng ta đã và đang phải chứng kiến những thay đổi mang tính bước ngoặt. Như bất kỳ một thể chế kinh tế khác trên thế giới, việc thay đổi là tất yếu, nhưng sự thay đổi ấy có thích ứng được hay không, lại phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế quản lý của nhà nước. Nói vậy để thấy rằng, câu chuyện thay chủ sở hữu của hệ thống siêu thị Metro trước đây, hay việc rục rịch nhượng quyền sở hữu của BigC bây giờ, cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Đưa ra quan điểm của mình, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - cho rằng, hiện nay trên thế giới, vấn đề mua - bán, nhượng quyền các thương hiệu trong hội nhập là bình thường. Chúng ta cũng không nên quá nặng nề với việc đi hay ở của các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Rất nhiều doanh nghiệp đến rồi đi, khi kết quả kinh doanh không như mong muốn, rồi sau đó doanh nghiệp mới lại tìm đến và thử sức, điều đó cũng không có gì là lạ.
“Tiềm năng của thị trường bán lẻ ở Việt Nam là có thật, nhưng bán lẻ tại thị trường nước ta hiện không đơn giản chỉ là vấn đề trao đổi hàng hóa, mà còn là sự trải nghiệm. Các nhà bán lẻ nước ngoài phải hiểu và đáp ứng thói quen, nhu cầu mua sắm của người Việt. Người Việt thích mua rau, dưa, thịt, cá… cùng chỗ bán quần áo, thời trang. Ở đó, họ có chỗ để chơi, để ăn uống… và những điều ấy đã được các nhà bán lẻ mới vào thị trường nước ta làm rất tốt. Tuy nhiên, trong cuộc đua mới, nếu như các nhà bán lẻ chậm thay đổi, lười tư duy và không đáp ứng được các tiêu chí này, thì họ chuyển giao quyền sở hữu cho đối tác là điều khó tránh khỏi và đó là quy luật của thị trường” - ông Phú chia sẻ.
Nhiều thách thức lớn
Năm 2008, Việt Nam từng được một tạp chí kinh tế của Mỹ đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau, vị trí “quán quân” của Việt Nam đã nhảy ra khỏi top 10, năm 2014 xếp ở vị trí thứ 28. Sự “tụt dốc” không phanh này là một trong những minh chứng cụ thể cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam không còn hấp dẫn như thời kỳ mới gia nhập WTO. Trong khi đó, môi trường kinh doanh chưa hoàn thiện, môi trường pháp lý chưa có nhiều cải tiến, đội ngũ công nhân thiếu kỹ năng, giá bất động sản cao…khiến ngành bán lẻ Việt đứng trước rất nhiều thách thức.
Chuyên gia kinh tế Đặng Đình Tiền cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt là trước sự kiện Việt Nam tham gia vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), do đó, thông điệp của TPP gửi đến với thị trường bán lẻ trong nước rất nhiều cơ hội, nhưng thách thức cũng rất lớn. Nhiều thứ sẽ thay đổi, không chỉ đơn thuần là vấn đề rào cản thương mại, hàng rào thuế quan được dỡ bở…mà còn là vấn đề thói quen mua sắm của người dân cũng sẽ bị thay đổi. Chuyện  “tháo chạy” khỏi thị trường Việt Nam của Metro, BigC khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu thị trường bán lẻ Việt Nam có còn hấp dẫn?.
Trả lời câu hỏi trên, chuyên gia Đặng Đình Tiền cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam chưa bao giờ “nguội”. Việc đổi chủ của các tập đoàn lớn là bình thường, tuy nhiên, thông tin về chủ sở hữu mới của hệ thống siêu thị BigC tại Việt Nam, rất có thể lại là một tập đoàn của Thái Lan, lại khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. Bởi lẽ, nếu điều này xảy ra thì hệ thống bán lẻ của Việt Nam sẽ gặp thêm những khó khăn mới, khi mà hệ thống phân phối trong nước chưa đạt đủ các tiêu chuẩn quốc tế, thiếu sự liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp… Điều này chắc chắn sẽ đẩy các doanh nghiệp trong nước vào một cuộc chiến không cân sức - giữa một bên là các tập đoàn lớn của Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…một bên là những công ty quy mô nhỏ của Việt Nam.
“Doanh nghiệp Thái Lan từ lâu đã muốn thâm nhập thị trường Việt Nam, từ sản xuất đến phân phối. Nếu nắm BigC trong tay, đồng nghĩa với việc họ nắm gần 40 điểm phân phối ở các khu vực trung tâm tại nước ta. Thêm vào đó, nếu kết hợp với hệ thống siêu thị Metro, thì tập đoàn phía Thái Lan đã sở hữu gần 60 siêu thị lớn và sẽ trở thành một đại hệ thống phân phối. Lúc đó, nó sẽ có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường Việt Nam. Đến lúc đó, không chỉ nhà sản xuất mà các doanh nghiệp thuộc ngành hàng bán lẻ trong nước chắc chắn sẽ phải đối mặt với thách thức từ việc chèn ép về giá, hàng hóa bị đánh bật khỏi thị trường. Để bảo vệ mình, các doanh nghiệp Việt cần phát huy hơn nữa sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, cùng với đó là cải tiến kỹ thuật, thay đổi tư duy mua bán và đặc biệt là hoàn thiện môi trường kinh doanh” - ông Tiền nêu quan điểm.


NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons