Với cơ chế cấp phát vốn từ trung ương, đa số lãnh đạo các địa phương thời gian qua thường cho đây là tiền trợ cấp, vốn cho không nên tranh thủ đăng ký càng nhiều càng tốt. Cơ chế này sắp tới sẽ được chuyển sang cho vay lại, tránh tình trạng đội vốn, lãng phí lớn.
Tại Hội thảo “Cơ chế cho vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ đối với Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh” tổ chức ngày 10/12, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua việc huy động nguồn vốn vay nước ngoài để cho vay lại và cấp phát ngân sách Nhà nước rất là lớn.
Trong 10 năm qua, mỗi năm tổng cho vay lại có 1/3 về địa phương và 2/3 về trung ương với khoảng 15 tỷ USD cấp cho chính quyền địa phương. Theo đó, có trên 92% cấp phát và khoảng 7% cho vay lại các địa phương. Như vậy, nguồn vốn vay được sử dụng chủ yếu vào việc cấp phát cũng đã khiến cho hiệu quả đầu tư chưa cao khi nhiều địa phương xem đây là nguồn “trợ cấp”.
Toàn cảnh hội thảo
Trao đổi tại hội thảo, bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cung cấp số liệu cho hay, hiện có tới 92,15% vốn nước ngoài tại địa phương theo hình thức cấp phát.
Trong khi đó, lãnh đạo địa phương vẫn chưa ý thức được đây là “khoản vay”, thậm chí là vay đắt mà vẫn coi là nguồn “vốn cho không” nên “tranh thủ đăng ký càng nhiều càng tốt”.
Cũng vì coi đây là vốn cho không nên tính ưu tiên của các địa phương cho dự án chưa cao, nên dẫn đến tình trạng các tỉnh cho rằng, “dự án nào cũng cần”.
Bà Thảo cho biết thêm, hầu hết các địa phương đăng ký không đủ vốn đối ứng, thời gian triển khai dự án kéo dài tới 8-10 năm có dự án 12 năm so với văn kiện chỉ 5 năm. Có 90% các dự án phải gia hạn ít nhất 1 lần, kéo theo nhiều chi phí như trượt giá, giải phóng mặt bằng, quy hoạch thay đổi, thiết kế thay đổi, chi phí tư vấn đầu tư dự án phát sinh...Từ đó dẫn đến “đội” vốn lớn, khó kiểm soát.
Trong khi đó, tình hình nợ công lại đang tăng nhanh. Giữa bối cảnh nhu cầu đầu tư lớn, Chính phủ đã phải tiếp tục vay để phục vụ các dự án trọng điểm quốc gia với quy mô vốn lớn như Đường sắt cao tốc Bắc Nam, Sân bay Long Thành, các dự án điện... Lượng vốn lớn mà không có cơ chế chia sẻ rủi ro thì sẽ căng thẳng trong bố trí nguồn trả nợ - đại diện Bộ Tài chính quan ngại.
Do vậy, bà Thảo cho rằng, cần phải tăng cường kiểm soát lại vấn đề này, nhất là trong điều kiện từ năm 2017, các khoản ODA sẽ giảm dần và tiến tới chấm dứt, Việt Nam phải chuyển sang vay thương mại với lãi suất cao hơn nhiều.
Nợ công của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, trong khi đó, các địa phương lại lãng phí lớn nguồn lực từ vốn vay
Trong bối cảnh này, việc vay lại vốn nước ngoài là xu hướng hợp lý với điều kiện ưu đãi hơn so với các khoản vay thương mại và trách nhiệm trả nợ chuyển dần từ trung ương sang địa phương.
Tuy nhiên, sự chuyển đổi này sẽ có lộ trình và không chuyển hẳn sang 100% cho vay lại để tránh “sốc” cho các địa phương.
Về vấn đề này, bà Vũ Hoàng Quyên, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (World Bank) đưa ra gợi ý, những địa phương có khả năng chủ động ngân sách, ít trông chờ vào nguồn bổ sung trung ương sẽ phải vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ cao hơn.
Theo đó, một số địa phương, tỷ lệ vay lại có thể lên tới 100%. Với các địa phương khó khăn hơn thì tỷ lệ cấp phát có thể vẫn chiếm 70%-90%, còn lại là phần vay lại của Chính phủ.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hà, Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tỏ ra lo ngại, liệu việc trung ương cho địa phương vay lại vốn có giống như việc “mẹ cho con vay” hay không?
Theo đó, việc hoàn trả của các địa phương sẽ thực hiện ra sao và trong trường hợp, cho địa phương vay nhưng không đòi được thì liệu có trở thành nợ xấu quốc gia?
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, cơ quan chức năng sẽ vừa làm vừa đánh giá tác động tới Trung ương cũng như địa phương để hoàn thiện cơ chế này.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét