Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Trông mong gì từ các tham tán thương mại Việt Nam?

Để đẩy mạnh công tác xuất nhập khẩu, những năm qua, Bộ Công Thương đã huy động hệ thống Tham tán thương mại tại các nước trên thế giới giới thiệu các cơ hội kinh doanh, kết nối giao thương, cung cấp thông tin thị trường cập nhật cho doanh nghiệp (DN).
Phối hợp chưa hiệu quả
Nhiều cơ quan thương vụ đã phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức xúc tiến thương mại (XTTM) cập nhật thông tin thị trường cho DN thông qua các bản tin thị trường; tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, đào tạo, cung cấp thông tin thị trường cho các DN.
Với sự hỗ trợ từ hệ thống Tham tán thương mại tại các nước, sự hiện diện của sản phẩm xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ngày càng mở rộng. Thông qua các chương trình XTTM đã hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục quay trở lại thị trường Liên bang Nga, các nước Đông Âu, tăng cường hoạt động tại thị trường Myanmar, Lào, Campuchia, một số nước Trung Đông và châu Phi, giúp các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ vào thị trường các nước nói trên; xúc tiến đẩy mạnh hoạt động thương mại, đầu tư; nâng cao vị thế và hình ảnh của Việt Nam.
trong mong gi tu cac tham tan thuong mai viet nam? hinh 0
Ausatralia.
(Ảnh: zing.vn)
Mặc dù hoạt động của các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài được đánh giá là khá tích cực, song theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), có những thương vụ chỉ làm những việc được Bộ Công Thương giao, coi nhiệm vụ hỗ trợ DN là thứ yếu nên không được sâu sát.
Trong khi đó, những công việc của Bộ Công Thương giao cho các thương vụ hàng năm chỉ chiếm khoảng 30% khối lượng công việc được giao, do đó các thương vụ cần dành nhiều thời gian và sự nhiệt tình hơn hỗ trợ tích cực hơn cho các DN nhằm thúc đẩy công tác xuất nhập khẩu.
“Một số DN trong nước cho rằng, hoạt động của các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài còn thờ ơ, hời hợt trong việc hỗ trợ cho DN về thông tin thị trường, khách hàng. Trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định FTA, để tận dụng được các cơ hội thì vai trò của các tham tán thương mại có ý nghĩa rất quan trọng. Các đơn vị trong nước cũng cần chủ động cung cấp thông tin cho các thương vụ, tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa các thương vụ với các hiệp hội, địa phương”, ông Hải nói.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Bảo, Tham tán Công sứ Thương vụ Việt Nam tại Campuchia chia biết, việc cung cấp, chia sẻ thông tin xuyên suốt giữa các cơ quan quản lý là vấn đề rất quan trọng với doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc chia sẻ thông tin giữa các vụ, cục để cung cấp đến doanh nghiệp đôi khi gặp trục trặc.
“Có những thông tin gửi về cho các vụ, cục nhưng cũng không nhận được phản hồi. Đơn cử với mặt hàng gạo, thương vụ đã gửi liên tục 2 báo cáo trong 1 tháng về mặt hàng này nhưng phía Cục Xuất nhập khẩu không hề phản hồi cũng như xác nhận đã nhận được được thông tin”, ông Bảo chia sẻ.
Kinh phí ít - hạn chế hoạt động
Chương trình XTTM quốc gia năm 2016 mới được Bộ Công Thương phê duyệt gồm 177 đề án của 67 đơn vị chủ trì với tổng kinh phí là 90 tỷ đồng sẽ bao gồm hoạt động XTTM phát triển thị trường, mặt hàng xuất khẩu, Hội chợ chuyên ngành trong nước, Hội chợ thực hiện tại nước ngoài, Đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài, Hội nghị quốc tế ngành hàng…
Theo đánh giá của ông Nguyễn Bảo, hoạt động thương vụ cần hai yếu tố quan trọng, đó là thông tin và tạo dựng mối quan hệ. Tuy nhiên, việc tạo dựng mối quan hệ tại thị trường mới trong vòng 3 năm là khoảng thời gian quá ngắn. Công tác XTTM nếu chỉ “tay không bắt giặc” sẽ rất khó thực hiện thành công, do vậy cần phải làm mạnh hơn, thông tin tuyên truyền quảng bá tích cực hơn. “Công tác XTTM cần bài bản hơn đảm bảo tác dụng lâu dài, nhưng với nguồn kinh phí hạn hẹp như hiện nay thì việc thực hiện rất khó”, ông Bảo cho biết.
Ô Phạm Ngọc Cảnh, Tham tán Công sứ Thương mại tại Maroc cũng nêu khó khăn: DN trong nước ít quan tâm XTTM tại thị trường Maroc, nên việc mời DN tổ chức hội thảo XTTM rất khó khăn. Trong khi phía các DN Maroc quan tâm rất lớn đến các DN của Việt Nam thì kinh phí dành cho hội thảo XTTM lại quá ít ngoài nguồn kinh phí đặc thù.
Còn theo ông Phạm Quang Niệm, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nga cho biết, Nga sẽ là thị trường rất đáng quan tâm và mong muốn các DN Việt Nam tìm hiểu, xúc tiến thương mại nhiều hơn. Nga đang gặp nhiều khó khăn khi thiếu rất nhiều sản phẩm nên thương vụ đã tìm cơ hội để cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập vào thị trường này với các mặt hàng như nông sản, thủy sản, thực phẩm…
Tuy nhiên, ông Niệm cũng cho rằng, thương vụ và các DN cần tích cực hơn trong hoạt động XTTM, trong khi người Nga chưa quen với thương mại điện tử, các DN trong nước cần chủ động XTTM tại thị trường này bằng phương pháp truyền thống.
“Việc cung cấp thông tin và tìm khách hàng cho DN là rất quan trọng, nhưng thương vụ không thể làm thay DN, thương vụ chỉ có thể cung cấp thông tin và hỗ trợ DN những điều kiện có thể. DN chỉ ngồi nhà vẫn có thể có thị trường, nhưng nếu người của thương vụ chỉ ngồi ở nhà để có khách hàng hỏi thăm là điều rất khó”, ông Niệm cho hay./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons