Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Việt Nam thiệt hại nặng nề nhất châu Á do giá dầu giảm

Việt Nam là nước duy nhất phải chứng kiến chi phí nhập khẩu ròng tăng với mức tăng 1% GDP do lượng xuất khẩu sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, giá dầu lao dốc cũng tác động mạnh tới thu ngân sách và vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
 
Báo cáo vừa công bố bởi hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cho thấy, tính đến ngày 11/2, giá dầu thô đã giảm tổng cộng 44% so với 1 năm trước và giảm tới 75% so với đầu năm 2013.
Châu Á là khu vực nhập khẩu dầu thô lớn nhất toàn cầu, với tổng nhập gần tương đương những nước còn lại trên thế giới. Các nước châu Á được xếp hạng tín nhiệm đều là nước nhập khẩu ròng, trừ Malaysia. Chi phí ròng (số tiền phải chi cho nhập khẩu trừ đi số thu được nhờ xuất khẩu) cho dầu đã giảm đáng kể từ năm 2013. Trong đó, Thái Lan, Hàn Quốc và Sri Lanka là những nước có lợi nhất, với chi phí dầu thô giảm hơn 3% GDP so với năm 2013.

Với Malaysia - quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất châu Á, nguồn thu ròng từ dầu mỏ tăng 0,2% GDP so với năm 2013. Còn với Việt Nam, chi phí ròng cho dầu thô lại tăng 1% GDP, do xuất khẩu suy giảm mạnh.
Chi phí dầu thô giảm đã giúp cải thiện cán cân vãng lai tại hầu hết các nền kinh tế châu Á, trừ Việt Nam và Malaysia. Trong đó, cán cân vãng lai của Việt Nam được đánh giá đã suy yếu kể từ năm 2013, chủ yếu do nhu cầu trong nước tăng mạnh. Một phần nguyên nhân là xuất khẩu dầu đi xuống.

Trong khi đó, cán cân vãng lai của Malaysia cũng giảm, bất chấp nguồn thu từ dầu tăng. Nguyên nhân chủ yếu là các khoản đầu tư của nước này trong Chương trình Chuyển đổi Kinh tế, nhằm kích thích tăng trưởng trong dài hạn.


TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp cho Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV cho rằng, theo dự đoán của các chuyên gia, giá dầu sẽ thiên về hướng 20 - 30 USD/thùng do nguồn cung tăng khi Iran được dỡ bỏ lệnh cấm vận sẽ tham gia vào việc xuất khẩu dầu thô, Mỹ tăng cung xuất khẩu, và quan trọng hơn – Trung Quốc giảm cầu.

"Nhắc đến giá dầu giảm, vấn đề đầu tiên được nhắc tới luôn là vấn đề hụt thu ngân sách. Tuy nhiên, đây không hẳn là yếu tố quá nguy hại khi tỷ trọng đóng góp vào ngân sách của bán dầu thô đã giảm sâu từ 27% vào năm 1996 xuống còn 6% vào năm 2015. Quan trọng hơn, đầu tư vào ngành dầu khí chắc chắn sẽ giảm trong thời gian tới", TS Lực dự báo.

Theo vị chuyên gia này, việc giá dầu giảm mạnh khiến các nhà đầu tư giảm/giãn, hoặc hủy các dự án đầu tư khai thác, chế biến xăng dầu tại Việt Nam.

"Khá nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực dầu khí đã và đang suy giảm thực hiện trong thời gian vừa qua. Một nhà đầu tư Thái Lan dự kiến rót 22 tỷ USD vào một dự án lọc dầu, nhưng họ cũng đã ngần ngại khi giá dầu giảm quá sâu", ông Lực cho biết.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons