Những ngày cuối năm Ất Mùi, vợ chồng anh Võ Minh Trung (ấp Trung Hiệp Thạnh, xã Trung Lập Thượng, H.Củ Chi, TP.HCM) tất bật lo thu hoạch bầu để giao cho tổ hợp tác theo đúng hợp đồng. Dưới cái nắng hầm hập giữa trưa nhưng anh chị vẫn tươi cười hái từng trái bầu, nâng niu, xếp gọn gàng ngay ngắn vào những chiếc thùng.
|
Không lo “được mùa mất giá”
Anh Trung kể, vợ chồng anh có khoảng 3.000 m2 đất ruộng, những năm trước đây dùng trồng lúa. Sau này thấy trồng lúa không hiệu quả, vợ chồng anh chuyển sang trồng bầu, mỗi vụ kiếm lời được khoảng 15 triệu đồng. “Vụ nào trúng giá lời được khoảng 30 triệu đồng, nhưng luôn lo canh cánh tình trạng được mùa thì mất giá. Ngày đó, có những lúc thu hoạch rộ, tôi chở hàng ra chợ lại phải chở về vì bị ép giá quá”, anh Trung nhớ lại.
Cuộc sống gia đình anh đã đổi mới kể từ khi gia nhập tổ hợp tác sản xuất rau theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) vào năm 2013. Với mô hình sản xuất rau an toàn, được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cả đầu ra ổn định, nay gia đình anh chỉ trồng 1.700 m2 bầu ước tính thu được trên 50 triệu đồng. Những ngày cận Tết Nguyên đán, cứ mỗi ngày anh chị thu được 1 triệu đồng. "Nếu làm hết 3.000 m2 đất thì mỗi vụ tôi kiếm được cả trăm triệu đồng. Như vậy mỗi năm làm 3 vụ cũng được 300 triệu đồng", anh Trung tươi cười nói.
Tương tự, trước đây hộ anh Lê Thanh Hùng (cùng ngụ ấp Trung Hiệp Thạnh) với 5.000 m2 trồng khổ qua, mỗi năm chỉ kiếm lời khoảng trên chục triệu đồng. Đến nay, khi vào tổ hợp tác và trồng theo quy trình VietGAP, sản xuất theo hợp đồng thu mua của các hợp tác xã với giá cả ổn định, mỗi năm anh thu về trên dưới 200 triệu đồng.
Mở rộng diện tích
Trước đây, nhận thấy tình trạng người nông dân làm ăn theo kiểu truyền thống hay bị thương lái ép giá, giá cả sản phẩm bấp bênh, thêm vào đó là thực trạng lạm dụng thuốc trừ sâu hóa học trong sản xuất nông nghiệp đe dọa sức khỏe người tiêu dùng, cuối năm 2013, Trung tâm khuyến nông TP.HCM, Trạm khuyến nông H.Củ Chi đã khảo sát và quyết định xây dựng điểm sản xuất rau an toàn tại ấp Trung Hiệp Thạnh, xã Trung Lập Thượng, sau này nâng thành tổ hợp tác; đồng thời mở lớp tập huấn cho nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ việc chọn giống, chăm sóc cho đến thu hoạch... Trong quá trình sản xuất, người nông dân được hướng dẫn không sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Điều này không những bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường mà còn chính là điểm mạnh giúp cho sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường và được thu mua với giá cao hơn, ổn định.
Ông Nguyễn Văn Cu, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP, cho biết từ khi được thành lập, tổ giúp bà con luôn chủ động liên hệ với các hợp tác xã thu mua sản phẩm, định hướng cho bà con trồng cây gì và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay trước khi xuống giống với giá ổn định. Hiện tổ có 38 hộ với tổng diện tích đất khoảng 40 ha, mỗi ngày cung cấp cho thành phố khoảng 4 - 5 tấn rau sạch, hầu hết các hộ dân đều có thu nhập ổn định. "Nếu trước đây trồng lúa, mỗi vụ 3 tháng chỉ đem về cho các hộ dân khoảng 15 triệu đồng/ha thì nay trồng rau sạch cũng trên diện tích đó và thời gian đó, bà con thu về đến 200 triệu đồng", ông Cu nói và cho biết giờ đây đời sống các hộ dân đã chuyển biến rõ rệt, thu nhập trung bình mỗi hộ trên dưới 200 triệu đồng/năm, nhiều hộ xây cất nhà cửa khang trang, con cái của họ được học hành đầy đủ. “Năm nay, chúng tôi sẽ cố gắng mở rộng diện tích trồng rau sạch lên 90 ha để đáp ứng nhu cầu dùng rau sạch tăng cao của người dân”, ông Cu hồ hởi.
Ông Trần Minh Hòa, Phó chủ tịch UBND xã Trung Lập Thượng, cho biết đây là một trong những chương trình xây dựng nông thôn mới rất hiệu quả trên địa bàn, phát huy nội lực của người dân là chính, đưa người nông dân từ sản xuất theo truyền thống, thu nhập bấp bênh sang chuyên nghiệp hơn, giúp họ làm giàu một cách bền vững.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét