Những năm gần đây, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên xuất hiện rất nhiều triệu phú, tỷ phú “chân đất” là những nông dân gắn với các sản phẩm nông sản mà họ sản xuất ra. “Vua chuối” Phạm Năng Thành; "vua gà Đông Tảo" Lê Quang Thắng; “vua nhãn” Nguyễn Văn Thế… là những ví dụ về các triệu phú, tỷ phú đất Khoái Châu.
Khi tìm hiểu về những triệu phú, tỷ phú đất Khoái Châu, chúng tôi được biết, để "ra đời" các: “Vua nhãn” Nguyễn Văn Thế; “vua chuối” Phạm Năng Thành… (tên gọi vui của các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nơi đây) có sự "giúp sức" không nhỏ của Hội Nông dân huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Huyện Khoái Châu có tổng số 29.883 hội viên hội nông dân thì có tới 9.799 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi (cấp Trung ương có 49 hộ, cấp tỉnh có 607 hộ, cấp huyện có 1.859 hộ, cấp xã có 7.284 hộ năm 2015). Những con số “biết nói” trên khiến chúng tôi thực sự ấn tượng. Bà Hoàng Thị Vui, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Khoái Châu hồ hởi cho biết:
- Để có được gần chục nghìn hộ sản xuất, kinh doanh giỏi hiện nay, ngoài việc tổ chức 79 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 7.506 nông dân, năm 2015, Hội Nông dân huyện Khoái Châu còn mở các lớp dạy nghề miễn phí cho nông dân về kỹ thuật cây, con giống mới; phổ biến quy trình trồng cây ăn quả, dược liệu… phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn và nhu cầu của từng hộ nông dân. Điểm mấu chốt là hội chỉ tập trung vào việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, khi người dân có nhu cầu và có tính khả thi cao; không dàn trải, hình thức mà trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với trình độ, năng lực với từng cơ sở, địa phương, từng hộ gia đình.
Nông dân huyện Khoái Châu thu hoạch chuối.
|
Cũng theo bà Hoàng Thị Vui, Hội Nông dân huyện còn đứng ra tín chấp với các ngân hàng để giúp nông dân vay vốn sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho 3.643 hộ nông dân trong huyện vay với tổng số tiền là 84,9 tỷ đồng. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 386 hộ nông dân vay với tổng số tiền là 18,2 tỷ đồng. Hội còn tranh thủ các nguồn vốn khác như: Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm... để vay tiền cho hội viên với tổng số tiền là 4,9 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn này mà nhiều hộ nông dân, đặc biệt là các hộ nghèo, khó khăn đã vươn lên thoát nghèo, thậm chí khá giả, giàu có. Năm 2015, toàn huyện đã có 359 hộ thoát nghèo; điển hình là hộ gia đình bà Đỗ Thị Hạnh (xã Thành Công); hộ gia đình ông Lê Bá Cường (thị trấn Khoái Châu); hộ gia đình ông Vũ Huy Thông (xã Ông Đình); hộ gia đình bà Nguyễn Thị Quyên (xã Tân Dân); hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tuyền (xã An Vỹ)… Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở Khoái Châu đã giảm xuống dưới 7%.
Ngoài đứng ra tín chấp cho các hội viên vay vốn sản xuất, kinh doanh, Hội Nông dân huyện còn liên hệ với các công ty sản xuất phân bón uy tín như: Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển, Công ty CP Phân lân Ninh Bình, Công ty Tiến Nông... cung cấp 1.180 tấn phân bón các loại cho bà con nông dân, theo hình thức thanh toán trả chậm vào cuối vụ sản xuất, không tính lãi. Việc làm trên không chỉ giúp nông dân có phân bón bảo đảm chất lượng, phục vụ sản xuất, mà còn giúp bà con tránh được nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Tử, người đi đầu trong việc ứng dụng mô hình trồng nhãn chín muộn theo chuỗi từ năm 2014 hồ hởi tâm sự, lâu nay bà con nông dân cứ nghĩ việc sản xuất theo chuỗi khó khăn, lại không có lợi ích kinh tế. Nhưng khi áp dụng hình thức sản xuất theo chuỗi, tôi thấy không quá khó khăn. Trồng nhãn theo chuỗi không chỉ giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm mà việc áp dụng hình thức sản xuất này còn khẳng định chất lượng, uy tín sản phẩm mình làm ra. Khách hàng mua sản phẩm cũng yên tâm hơn khi sử dụng. Việc mạnh dạn ứng dụng sản xuất nhãn theo chuỗi của ông Nguyễn Văn Thế không chỉ giúp ông tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn mà còn thuận lợi trong công tác vận động bà con nông dân ứng dụng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, cung ứng các sản phẩm nông nghiệp sạch ra thị trường.
Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tham mưu cho các cấp chính quyền kêu gọi đầu tư xây dựng kho chế biến bảo quản nông sản, giúp nông dân bảo quản nông sản theo mong muốn, hạn chế tình trạng ế thừa, rớt giá, bảo đảm yêu cầu về chất lượng. Hội cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông nghiệp đất Khoái Châu như: Cam, bưởi. Hiện sản phẩm gà Đông Tảo, nhãn chín muộn đã đăng ký chỉ dẫn địa lý. Từ những việc làm thiết thực, cụ thể của mình, Hội Nông dân huyện Khoái Châu ngày càng được nông dân tin tưởng, quý mến. Bà Hoàng Thị Vui chia sẻ rằng: Để có sự tin yêu của bà con nông dân, cán bộ hội phải chủ động, sáng tạo, sâu sát với nông dân để giải quyết những khó khăn, vướng mắc và cùng nông dân đồng hành trên những luống cày, thửa ruộng.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét