Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Quản chặt hoạt động bán hàng đa cấp

Bán hàng đa cấp (BHĐC) là mô hình đã được thừa nhận. Tuy nhiên, lợi dụng "kẽ hở" pháp luật, nhiều vụ lừa đảo núp bóng BHĐC đã diễn ra tại hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Để chấn chỉnh hoạt động này, ngày 27-1, Sở Công thương Hà Nội đã triển khai Quy chế tăng cường phối hợp quản lý đối với BHĐC trên địa bàn thành phố, nhằm loại trừ những doanh nghiệp vi phạm, lợi dụng mô hình BHĐC trục lợi bất hợp pháp.

Mới có 59 đơn vị đủ điều kiện 

Mô hình BHĐC là phương thức kinh doanh hiệu quả, đã hình thành và phát triển gần 100 năm qua. Xét về góc độ kinh tế, BHĐC đã có những đóng góp không nhỏ, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho xã hội. Theo thống kê mới nhất của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), Cục đã tiếp nhận 75 hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC, nhưng mới có 59 đơn vị đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận. Trong khi đó, ước tính có khoảng 1,2 triệu người tham gia vào các mạng lưới BHĐC, với hơn 7.000 mặt hàng. Chưa kể, số lượng không nhỏ doanh nghiệp núp bóng BHĐC, với nhiều chiêu trò lừa đảo, gây nên sự hỗn loạn và suy giảm niềm tin của người tiêu dùng với mô hình BHĐC tại Việt Nam. Riêng tại Hà Nội, chỉ có 39/53 doanh nghiệp BHĐC nộp báo cáo hoạt động năm 2015 về Sở Công thương, với 196.596 người tham gia.

Tuy nhiên, các quy định pháp luật về BHĐC chưa hoàn thiện đã tạo cơ hội cho một số cá nhân, tổ chức lợi dụng để kiếm lời bất chính. Điển hình là kiểu BHĐC không tìm kiếm lợi nhuận từ việc bán sản phẩm, mà từ việc lôi kéo nhiều người tham gia. Thay vì tạo ra sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, một số công ty BHĐC dụ dỗ người tham gia mạng lưới bằng hứa hẹn lợi nhuận "khủng"; đồng thời, thổi phồng công dụng sản phẩm, biến tướng hoạt động BHĐC thành hình thức đầu tư, huy động tài chính trả lãi theo đa cấp. Hàng loạt vụ lừa đảo dưới hình thức kinh doanh đa cấp vỡ lở, với số nạn nhân lên tới hàng chục nghìn người, phần lớn là người nghèo, thiếu hiểu biết, tin vào lời hứa lợi nhuận cao... Thậm chí, có vụ huy động tiền vay với lãi suất lên đến vài trăm phần trăm, khiến không ít hộ nông dân bỗng dưng thành con nợ. Đơn cử như vụ MB24 bán các gian hàng ảo làm cho hàng trăm nông dân ở Đắk Lắk có nguy cơ vỡ nợ. Hay hoạt động kinh doanh đa cấp của hệ thống Diamond Holiday lừa đảo khoảng 87.000 người, với số tiền lên đến hơn 678 tỷ đồng thông qua việc bán các gói dịch vụ du lịch.
 
Cơ quan chức năng kiểm tra công ty bán hàng đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy (TP Hồ Chí Minh).

Quản lý chặt, xử lý nghiêm

Thực tế cho thấy, mô hình BHĐC vốn là một xu thế phân phối sản phẩm tiến bộ, hiện đại trên thế giới, mang lại nhiều giá trị và tính ưu việt cho người tiêu dùng. Vì vậy, trong bối cảnh hội nhập, phát triển, thay vì ngăn cản, rất cần vai trò của Nhà nước và các cơ quan quản lý trong việc ngăn chặn, hạn chế bất cập từ hoạt động kinh doanh BHĐC, đồng thời phát huy ưu điểm và giá trị của mô hình kinh doanh này. Tại hội nghị triển khai thực hiện Quy chế tăng cường phối hợp quản lý đối với hoạt động BHĐC trên địa bàn TP Hà Nội, đại diện các sở, ngành chức năng cùng có chung nhận định, việc giám sát, nắm bắt tình hình hoạt động BHĐC tại địa phương, thông tin, tuyên truyền cho người dân trên địa bàn nắm rõ quy định của pháp luật đối với hoạt động BHĐC là rất cần thiết.

Sở Công thương Hà Nội cho biết, thông qua phối hợp kiểm tra, giám sát, các đơn vị chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh đúng quy định. Việc các đơn vị phối hợp chặt chẽ vừa giảm sự chồng chéo trong kiểm tra doanh nghiệp, vừa góp phần quản lý tốt hơn đối với hoạt động BHĐC trên địa bàn Hà Nội. Một số đơn vị như Công an thành phố, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy... đã thực hiện tốt phối hợp quản lý hoạt động BHĐC. Riêng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, năm 2015 đã kiểm tra, xử lý 12 doanh nghiệp vi phạm, tổng số tiền xử phạt hành chính hơn 1 tỷ đồng; buộc nộp lại lợi nhuận bất hợp pháp, chủ yếu từ vi phạm về tổ chức BHĐC khi chưa có Giấy chứng nhận do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp.

Theo quy chế phối hợp, thời gian tới, Sở Công thương sẽ giao Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức kiểm tra theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất theo vụ việc; ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm quy định pháp luật về hoạt động BHĐC theo thẩm quyền. Đặc biệt, các đơn vị chức năng tập trung kiểm tra, giám sát việc tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về BHĐC trên địa bàn Hà Nội. Sở Công thương, Công an Hà Nội sẽ phối hợp giám sát, điều tra, xác minh các công ty chưa được cấp phép cũng như đã được cấp phép hoạt động BHĐC có dấu hiệu vi phạm hình sự như lừa đảo, trốn thuế...




0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons