Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

Tiếp tục cảnh báo lừa đảo tín dụng tiêu dùng

Mới đây, một lần nữa, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) lại phát đi thông báo cho biết, thời gian gần đây, tình trạng tranh chấp về dịch vụ cho vay tiêu dùng trả góp là một trong những nội dung khiếu nại được Cục này tiếp nhận nhiều nhất
Trước đó, vào tháng 5-2015, Cục cũng đã từng phát đi một thông báo tương tự cảnh báo người tiêu dùng, tuy nhiên số lượng khiếu nại không có dấu hiệu dừng lại mà còn đang tăng lên.
Cụ thể, các tranh chấp phát sinh hầu hết do việc người tiêu dùng chủ quan, chỉ nghe tư vấn sơ sơ đã đặt bút ký hợp đồng với nhiều điều khoản mập mờ, lãi suất thực tế cao hơn nhiều lãi suất được tư vấn. Không chỉ thế, khi phát sinh tranh chấp, không chỉ khách hàng mà thậm chí người thân, đồng nghiệp của họ cũng liên tục bị các số máy lạ gọi điện, nhắn tin từ 6 giờ sáng tới 9-10 giờ tối để giục đóng tiền nợ. Rất nhiều cuộc gọi điện bao gồm cả việc đe dọa, sử dụng từ ngữ "chợ búa", giang hồ để thách thức người tiêu dùng.
Trước đó, trao đổi với Báo CAND, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho biết: Thời gian gần đây, Phòng Bảo vệ người tiêu dùng tiếp nhận số lượng lớn phản ánh và khiếu nại của người tiêu dùng về dịch vụ tín dụng tiêu dùng, phần lớn tập trung vào dịch vụ cho vay trả góp để mua sắm các đồ dùng điện tử như điện thoại, máy tính hoặc xe máy. 
Nhiều cảnh báo đã được đưa ra, nhưng người tiêu dùng vẫn chủ quan trong việc ký kết các hợp đồng tín dụng.
Khi tư vấn dịch vụ, nhân viên tư vấn sẽ chỉ thông báo mức lãi suất rẻ, hợp lý (1-2%/tháng). Tuy nhiên, tại thời điểm ký hợp đồng, mức lãi suất không được thể hiện trên hợp đồng (để trống tại vị trí mức lãi suất). Chỉ đến khi nhận được hợp đồng (được gửi qua đường bưu điện sau đó), người tiêu dùng mới biết lãi suất thực tế thể hiện trên hợp đồng rất cao (ví dụ: 6,52%/tháng, tương đương 78,24%/năm). Khi người tiêu dùng phản ánh sự khác biệt về lãi suất thì được thông báo là hợp đồng đã được ký kết, bị ép buộc phải thực hiện hợp đồng. 
Ngoài ra, trong những trường hợp này, người tiêu dùng thường không nhận được thiện chí phối hợp giải quyết hoặc câu trả lời không rõ ràng từ phía công ty cung cấp dịch vụ. Một số trường hợp thậm chí không được cung cấp hợp đồng, do vậy, hoàn toàn không nắm rõ mức lãi suất và các điều kiện, điều khoản của hợp đồng. 
Bên cạnh đó, một số điều khoản của hợp đồng có nội dung đặc thù nhưng không được cảnh báo tới người tiêu dùng, như "Trong trường hợp ngày trả nợ trùng với ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ thì bên vay phải trả nợ vào ngày làm việc trước ngày nghỉ đó"; hoặc các điều khoản về phạt vi phạm hợp đồng hầu như không được cung cấp hoặc làm rõ. 
Theo phản ánh của người tiêu dùng, trong quá trình liên hệ để thu hồi nợ, nhân viên của các công ty cung cấp dịch vụ sử dụng từ ngữ có thái độ thách thức, đe dọa, liên tục từ sáng sớm tới tối muộn, có trường hợp lên tới 10 cuộc gọi/ngày. Đa số các cuộc gọi, tin nhắn thu hồi nợ đều được thực hiện từ số máy di động, không phải số máy của công ty cung cấp dịch vụ. Khi người tiêu dùng liên hệ lại các số điện thoại này thì thường không có người bắt máy trả lời. 
Một số trường hợp người tiêu dùng nhận được thông báo gửi qua đường bưu điện về việc một văn phòng luật sư đã đưa vụ việc nợ quá hạn của người tiêu dùng ra tòa, đồng thời, hẹn ngày, tháng đến làm việc với văn phòng luật sư để giải quyết. 
Các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng lẩn tránh trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin, đặc biệt khi khách hàng muốn thanh lý hợp đồng thì số tiền phải nộp rất cao, có trường hợp gần bằng giá trị vay ban đầu, mặc dù họ đã đóng trả góp gần 12 tháng liên tục trước đó. 
Khi người tiêu dùng thắc mắc thì đùn đẩy trách nhiệm, không những làm mất thời gian, chi phí liên hệ, mà trong thời gian đó, người tiêu dùng vẫn phải tiếp tục đóng trả góp (hoặc chịu lãi phạt), đồng thời, liên tục bị "khủng bố" bởi các cuộc gọi điện, tin nhắn thu hồi nợ. 
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, qua công tác rà soát các hợp đồng giữa người tiêu dùng với các công ty cung cấp dịch vụ, Cục nhận thấy có một số dấu hiệu vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ví dụ như: cỡ chữ bé; điều khoản không rõ ràng; cho phép chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho bên thứ ba mà không được người tiêu dùng đồng ý…
Chia sẻ về những khó khăn trong các vụ việc khiếu nại dịch vụ tín dụng tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết chủ yếu do Quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động tín dụng tiêu dùng chưa thống nhất, tồn tại nhiều lỗ hổng, đặc biệt là quy định điều chỉnh mức lãi suất cho vay trong lĩnh vực này. Do vậy, với phản ánh của người tiêu dùng về mức lãi suất cao trong các hợp đồng tín dụng tiêu dùng, hiện Cục Quản lý cạnh tranh chưa có đủ cơ sở pháp lý để nghiên cứu và tư vấn người tiêu dùng. 
Mặt khác, các dấu hiệu vi phạm quyền lợi người tiêu dùng chủ yếu được thể hiện trong quá trình tư vấn, trao đổi thông tin giữa người tiêu dùng và nhân viên của công ty. Các nội dung này không được ghi nhận bằng văn bản hoặc tài liệu có thể tra cứu về sau, nên người tiêu dùng rất khó để chứng minh sai phạm của công ty cung cấp dịch vụ. 
Do chủ quan, nhiều người tiêu dùng thường không quan tâm hoặc không muốn tốn thời gian vào việc tìm hiểu, làm rõ các nội dung, hình thức ký kết hợp đồng, nên nhân viên tư vấn dễ dàng "dụ dỗ" ký kết hợp đồng với các điều khoản có lợi cho công ty. Khi hợp đồng đã được ký kết thì rất khó để bảo vệ quyền lợi của họ khi nảy sinh tranh chấp.




0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons