Trong những năm qua, Việt Nam nổi lên với vị trí là quốc gia xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp hàng đầu thế giới, với các sản phẩm gạo, cà phê, cao su, cá da trơn, tôm... Nhưng, khi hội nhập sâu, giới chuyên gia lẫn giới quản lý đều lo ngại sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sẽ thiếu lực cạnh tranh, chưa nói là thua ngay trên sân nhà. Vậy, phải làm gì?
Người nuôi cá tra Nam Bộ vẫn chưa yên tâm do giá cả không ổn định.
Trong vòng 30 năm đổi mới, khi nói về nông nghiệp với tư cách “bệ đỡ của nền kinh tế”, không ai có thể phủ nhận được những đóng góp hiệu quả của lĩnh vực này. Từ chỗ thiếu ăn, gạo Việt Nam đã trở thành mặt hàng xuất khẩu hàng đầu thế giới (trong lĩnh vực này). Đó là điều đáng nể vì nhiều người vẫn không quên những năm của thập kỉ 80 thế kỉ XX, hầu như nhà nào cũng thiếu gạo ăn. Còn thực phẩm (đặc biệt là thịt, cá) thì càng thiếu thốn.
Từ xuất phát điểm thấp như vậy lại vươn vai thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đó là một kỳ tích.
Còn từ 15 năm trở lại đây, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu hồ tiêu, cao su hàng đầu. Nhưng đáng nể hơn chính là việc nuôi thả, chế biến, xuất khẩu cá tra, ba sa, tôm. Tuy nhiên, thị trường thế giới đã nhiều thay đổi, không thể chủ quan. Một ví dụ: Với xuất khẩu cao su, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, khối lượng xuất khẩu cao su tháng 11/2015 đạt 123.012 tấn, với giá trị 148,33 triệu USD. Tính chung 11 tháng 2015, xuất khẩu cao su đạt 993.427 tấn, giá trị đạt 1,37 tỷ USD, tăng 4,7% về khối lượng nhưng giảm 14,84% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Còn xuất khẩu cao su tháng 12/2015 ước đạt 137 nghìn tấn giá trị đạt 156 triệu USD. Với ước tính này năm 2015 xuất khẩu cao su đạt 1,13 triệu tấn, giá trị đạt 1,52 tỷ USD, tăng 6,1% về khối lượng nhưng lại giảm 14,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Như vậy, số lượng không phải là điều quan trọng trong xuất khẩu, vì xét cho cùng vẫn là lợi nhuận. Nếu chỉ chạy theo số lượng mà không tính đến thực tế lợi nhuận thì vấn đề không được giải quyết tới nơi chốn. Khi càng hội nhập sâu thì chất lượng hàng hóa, lợi nhuận thu được càng quan trọng, nếu không quan tâm đến điều đó thì xét cho cùng cũng chỉ là nói suông. Trong lĩnh vực nông nghiệp, điều đó càng thể hiện rõ, vì lợi nhuận thu về của người nông dân tuy ít nhưng bảo đảm cuộc sống cho gần 70% dân số Việt Nam ở khu vực nông thôn.
Lâu nay, khi bước vào hội nhập, giới chuyên gia nông nghiệp đã cảnh báo việc thua trên sân nhà. Lúc đầu, ít người nghĩ về cảnh báo này, có khi còn cười mỉm vì tự tin rằng nước ta là nước nông nghiệp thì các nước khác địch sao nổi. Nhưng rồi, theo thời gian, điều đó không đúng. Cụ thể là với con gà. Cách đây chừng dăm tháng, đùi gà, cánh gà Mỹ tràn vào, với giá từ 18.000-20.000đ/kg đã khiến thịt gà trong nước lao đao, vì lúc bấy giờ thịt gà cùng chủng loại trong nước đắt gấp trên 3 lần. Hiệp hội gia cầm lên tiếng, lại cử cả người sang Mỹ tìm hiểu, rốt lại cũng không ăn thua. Vì sao? Có phải người ta “tống” thịt gà quá “đát” vào Việt Nam? K
hông hẳn, vì tiền chuyên chở (theo đường biển lẫn đường hàng không) cũng đã quá cả tiền giá gốc của 1 cân đùi gà. Gần đây, người ta lại lo hơn khi gà từ bên kia biên giới “tống” vào nước ta, với giá chỉ bằng ½. Vì thế, không ít hộ chăn nuôi đã phải “treo chuồng”. Bà Phan Thị Mỹ, chủ một hộ chăn nuôi gà ở Đồng Nai ngán ngẩm nói rằng: Giá gà giống đắt, giá thức ăn chăn nuôi đắt, nên khi xuất chuồng giá gà cũng đắt. Vì thế, khi “gà ngoại” tràn vào, đương nhiên gà nuôi trong nước không địch được. Bà Mỹ cũng nói thêm, không biết bao giờ mới có thể tái đàn, vì sự “phập phù” của giá khi “gà ngoại” vẫn là nỗi ám ảnh trong thực tế.
Còn về thịt bò. Trước đây chừng 3 năm, thịt bò Úc, bò Mỹ, bò Nhật đắt gấp nhiều lần thịt bò Việt Nam. Nhưng tới nay, thịt bò Úc đã rẻ hơn thịt bò nội. Điều đó khiến người chăn nuôi vô cùng lo lắng.
Tuy nhiên, lo lắng, lo ngại, than vãn thôi- không đủ. Vấn đề là giải pháp.
Thực tế cho thấy, riêng với ngành chăn nuôi (kể cả gia súc lẫn gia cầm), sản phẩm hàng hóa của Việt Nam vẫn có thể rẻ hơn hàng nhập ngoại, bởi không tốn tiền bảo quản, chuyên chở. Nhưng, đắt ở chỗ giá thức ăn chăn nuôi quá cao, cộng với việc chưa phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, nông trại, mà vẫn chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ. Chưa nói đến vấn đề cải tạo giống. Phần lớn giống gia súc, gia cầm trong nước (dạng đại trà) thời gian nuôi lâu, sản lượng thấp, từ đó giá trị thực tế mang lại ít. Về thức ăn chăn nuôi, ngay đến cả ngô, đậu tương vẫn phải nhập thì giá thành cao cũng là bình thường, chỉ có điều người chăn nuôi sẽ bị thiệt.
Tất cả những điều nêu trên, suy cho cùng, vẫn là nói về thị trường tiêu thụ trong nước. Quan trọng hơn, đó là việc vươn ra chiếm lĩnh thị trường nước ngoài. Cần phải bình tĩnh thừa nhận rằng, giá cả của nông sản Việt chưa mang tính cạnh tranh. Ngay trong nước giá đã cao (so với thu nhập trung bình của người lao động làm công ăn lương) thì làm sao cạnh tranh được với mặt hàng cùng chủng loại bên ngoài. Thứ nữa, việc bảo quản, chế biến không tốt, cũng khiến hàng hóa nông sản của ta khó cạnh tranh với bên ngoài. Một vấn đề nữa, đó là cuộc chiến pháp lý với các quốc gia nhập khẩu. Cho tới giờ, hầu như chúng ta chưa thắng trong một cuộc tranh cãi bảo vệ hàng nông sản xuất khẩu nào, khi bị nước ngoài “tố”, ép giá, kể cả trả lại hàng.
Là một quốc gia lấy nông nghiệp làm trụ đỡ, việc giành thị phần bên ngoài là hết sức quan trọng. Nhưng để làm được điều đó, trước hết và căn cơ phải làm người nông dân yêu ruộng vườn, yêu làng quê, yêu công việc của mình. Muốn thế, thì họ phải có thu nhập tốt từ chính công việc họ làm. Nhưng, việc ly nông, ly hương vẫn diễn ra; việc treo vườn, treo ao, trả ruộng vẫn còn đó và làn sóng ly hương vẫn còn đó... Không thể không lo lắng. Vì thế, việc giành thị phần cho nông sản, không lặp lại cảnh được mùa rớt giá, cũng như vươn tới những thị trường mới trong qua trình hội nhập là bài toán cần sớm có lời giải cho nông sản Việt Nam.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét