Các nhà kinh doanh Việt Nam chủ động sang Trung Quốc đặt hàng, rồi dán nhãn Việt Nam, nhập trở lại để ăn chênh lệch giá.
Người Việt tự hại hàng Việt
Thời gian qua, xảy ra tình trạng hàng tiêu dùng Việt Nam từ tăm tre, bông tai đến quần áo, hàng nông sản... đều bị Trung Quốc làm giả.
Đề cập đến nguyên nhân của tình trạng này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, đó là vì hàng Việt đã lên ngôi một chút, một số mặt hàng đã có thương hiệu trong khi Trung Quốc đang thừa hàng hóa nên mới đội lốt hàng Việt. Vừa qua, chênh lệch con số xuất nhập khẩu giữa Việt nam và Trung Quốc tới 20 tỷ USD chứng tỏ khối lượng hàng Trung Quốc vào Việt Nam rất lớn, trong đó phải đến một nửa là hàng lậu. Chính sách biên mậu của Việt Nam trước đây cho mỗi người dân gùi 2 triệu hàng miễn thuế khiến hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam và đến nay chính sách này đã phải dừng.
Riêng một số mặt hàng Trung Quốc vẫn không trộn và vẫn chiếm ưu thế trên thị trường Việt Nam, đó là đồ chơi trẻ em, hàng may mặc mà ở chợ Đồng Xuân, phố Lương Văn Can tràn ngập. Ngoài ra thuốc bắc, thuốc nam Trung Quốc cũng xuất hiện nhiều ở chợ Ninh Hiệp...
Hàng hóa Trung Quốc len lỏi khắp các ngóc ngách đời sống kinh tế của người dân |
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, Việt Nam đã mở toang cửa quá, không kiểm soát ở biên giới mà kiểm soát ở khâu bán lẻ, tức là kiểm soát từ ngọn chứ không phải từ gốc.
"Đừng trách người dân Việt Nam ham rẻ. Vì nghèo nên người ta phải ham rẻ và có thể 10 năm nữa người ta mới ung thư, còn trước mắt chưa chết ai nên người dân vẫn cứ dùng hàng Trung Quốc. Lương công nhân 3 triệu đồng, thậm chí còn nợ lương, Tết còn phải tung hàng chục nghìn tấn gạo cứu đói, rồi thưởng Tết bằng gạch, quần đùi, tất... thì làm sao người ta không mua hàng Trung Quốc cho được? Thị trường Việt Nam chia làm hai phân khúc tiêu dùng rõ rệt: người giàu vẫn tiêu thoải mái và đi siêu thị là chính, chỉ có người nghèo đi chợ, ăn hàng dởm, hàng giả, hàng đội lốt.
Từ trước tới nay người dân Việt Nam đã được cảnh báo nhiều về chất lượng hàng Trung Quốc nhưng đã nghèo thì cảnh báo vẫn chỉ là cảnh báo còn mua thì người ta vẫn cứ mua.
Ví dụ, mặc áo sơ mi Trung Quốc vào không chết ai, nếu có sờn một chút thì bỏ đi. Trước đây có comple Trung Quốc 70-80.000 đồng/bộ. Chính vì thế, nếu muốn chặn hàng Trung Quốc thì phải chặn từ biên giới, sản xuất trong nước phải mạnh lên, giá phải rẻ, như bóng đèn, phích nước Rạng Đông, bóng đèn điện quang, hàng Trung Quốc không tài nào tranh chấp được", ông Phú chỉ rõ.
Hệ quả của tình trạng đội lốt này, theo ông Phú, đó là hàng trong nước sẽ "chết" Nhà nước thất thu ngân sách. Thậm chí không loại trừ khả năng hàng Trung Quốc trà trộn vào hàng Việt Nam xuất khẩu đi nước ngoài.
Cũng bàn về tình trạng này, một chuyên gia đề nghị giấu tên thẳng thắn cho rằng, về bản chất, Trung Quốc không thể gian lận được. Câu chuyện hàng sản xuất ở Trung Quốc nhưng nhãn mác ghi "made in Vietnam" chính là gian lận thương mại, nó xảy ra là do các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu không chặt. Đặc biệt, bản chất của sự gian lận này là do các nhà kinh doanh Việt Nam chủ động tạo đất để hàng Trung Quốc vào Việt Nam. Đây là do người Việt Nam hại nhau chứ chưa chắc người Trung Quốc đã lừa được.
"Phần lớn là do các nhà kinh doanh thương mại Việt Nam chủ động sang Trung Quốc đặt hàng, rồi dán nhãn hàng Việt Nam đi đường tiểu ngạch nhập lại vào nội địa để ăn chênh lệch giá. Như vậy ở đây chính là người Việt đang làm hại người Việt và phải tự trách mình đầu tiên.
Việc nhập lậu hàng Trung Quốc vào Việt Nam đã là một hành động phá hoại sản xuất Việt Nam, còn việc doanh nghiệp mua hàng Trung Quốc dán nhãn hàng Việt Nam để kinh doanh ở Việt Nam thì đó là một thứ tội ác. Không trách được Trung Quốc khi xảy ra tình trạng này mà chính người Việt phải trách mình. Doanh nghiệp Việt làm ăn vô đạo đức, cơ quan quản lý làm không chặt dẫn đến sản xuất trong nước bị phá hoại", vị chuyên gia chỉ rõ.
Ông cũng đánh giá, phần lớn hàng Trung Quốc làm giả hàng Việt Nam tập trung vào chính thị trường tiêu thụ Việt Nam. Nếu để ý sẽ thấy họ chủ yếu làm giả hàng tiêu dùng có hàm lượng trí thức công nghệ thấp, những hàng không có quy chuẩn. Còn những hàng đã có quy chuẩn thì thường không làm giả được. Ngoài ra, các hàng đó có đối tượng tiêu thụ là người có thu nhập thấp nên tác hại lớn nhất của nó là phá hoại sản xuất ở Việt Nam. Các nhà sản xuất đàng hoàng, chân chính ở Việt Nam bị ảnh hưởng đầu tiên.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét