Hoạt động thiếu chuyên nghiệp, rất nhiều môi giới bất động sản (cò địa ốc) không “thẳng thắn” với khách hàng, cố tình nói sai để gây chú với khách, khiến khách hàng dễ rơi vào tình huống khó xử.
(Ảnh minh hoạ).
Việc bán hàng kỵ nhất là nói dối vì như vậy sẽ mất đi “niềm tin” thứ quan trọng nhất để bán hàng, đặc biệt lại là bán các sản phẩm giá trị như bất động sản. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều môi giới đôi lúc còn không “thẳng thắn” với khách hàng, cố tình nói sai để gây chú với khách, khiến khách hàng dễ rơi vào tình huống khó xử.
Ông Trần Minh - chuyên gia marketing bất động sản cho rằng, có 10 điều mà môi giới bất động sản thường “nói dối” để gây được sự chú ý của khách hàng.
Thứ nhất, về giá, khi gọi điện thoại, môi giới hay nói giá thấp nhất của căn rẻ nhất, hay nói giá không VAT, hoặc nói giá đã vay ngân hàng kiểu như từ 2 tỷ sở hữu ngay biệt thự biển. Giá là thứ được môi giới nói “điêu” nhiều nhất khi gửi email, hay gọi điện thoại cho khách hàng.
Thứ hai, nói quá về số lượng căn hộ, thông tin dự án. Dân môi giới thường sử dụng “chiêu”: “Chỉ còn duy nhất 10 căn hay 1 căn… đẹp nhất dự án” hoặc “anh chị là khách hàng VIP để được gọi mua căn hộ này”.
Thứ ba, về giải thưởng, môi giới thường nói dối với khách hàng về cơ hội nhận giải thưởng đặc biệt khi mua căn hộ tại một dự án để lôi kéo khách hàng.
Thứ tư, những thông tin về căn hộ như về hướng, về view đối với môi giới căn nào cũng đẹp. Mỗi dự án môi giới sẽ bán từ căn đẹp nhất đến căn xấu nhất: Căn này rất đẹp, căn này view ra ngoài rất yên tĩnh, biến xấu thành đẹp, đẹp thành xấu.
Thứ năm, luôn cố gắng dìm nhau khi nói dối khách về người môi gới đối thủ, nói dối khách về sản phẩm đối thủ…
Thứ sáu, lập lòe về phong thủy. Nhiều khách hàng nếu không có kiến thức về phong thủy thì dễ bị môi giới “nói dối” vì dụ như căn này rất hợp với năm sinh của chồng chị, hay căn này anh chị mà mua thì con anh chị sẽ học rất giỏi…
Thứ bảy, về việc hỗ trợ thủ tục, nhiều môi giới hứa với khách sẽ hỗ trợ khi làm thủ tục với các lời có cánh như “Anh chị là VIP của VIP” nhưng khi bán xong thì khách gọi không thấy đâu nữa.
Thứ tám, nói dối khách hàng về việc đầu tư “lướt sóng”. Khi dự án mới ra các môi giới sẽ nói dối khách hàng bằng cách cọc nhiều căn để rồi hứa hẹn với khách là “lướt sóng” ăn chênh lệch, nhưng sau đó do nhiều yếu tố sản phẩm không lướt được môi giới mất tích bỏ lại nhà đầu tư đóng tiền tiếp thì không chịu được, mà bỏ thì mất cọc, đành phải bán bằng giá hay thậm chí là cắt lỗ.
Thứ chín, nói dối nhà đầu tư về việc sinh lời từ việc tăng giá hay cho thuê bất động sản sau này như “Anh chị cứ mua đi căn này bình thường cho thuê 40 triệu đồng/tháng” nhưng thực thế thì chỉ được chưa tới một nửa, khoảng 15 triệu đồng/tháng…
Thứ mười, nói dối nhà đầu tư về tiến độ thi công, các công trình đường, các dự án xung quanh dự án, hay giải phóng mặt bằng. Vì muốn bán được, nhiều môi giới luôn vẽ ra viễn cảnh thật đẹp khiến khách hàng thích thú.
Đánh giá về nhân lực môi giới bất động sản, trao đổi với báo chí, ông Trần Ngọc Quang - Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam từng nhìn nhận, hoạt động của các nhà môi giới đang bị buông lỏng, từ việc đào tạo nhân viên môi giới cho tới cấp chứng chỉ hành nghề đều chưa có sự giám sát chặt chẽ. Từ đó, dẫn tới tình trạng thông tin, cách thức tiếp cận khách hàng, cách marketing, bán hàng chưa chuyên nghiệp.
Năm 2016 được giới kinh doanh bất động sản nhìn nhận sẽ là năm chứng kiến cuộc khủng hoảng về nhân lực đối với các nhà phân phối bởi thị trường hấp thụ có hạn, nguồn cung sản phẩm lớn, các sàn mọc lên rất nhiều, lực lượng lao động đổ dồn về thị trường bất động sản là rất cao. Vì vậy mà tỷ lệ giao dịch trên đầu người của một nhân viên môi giới sẽ thấp.
"Khi mua bất động sản khách hàng hãy chọn mua của những môi giới có tâm và tín để chọn mua được căn hộ ưng ý nhất. Để khách hàng đặt niềm tin vào môi giới, các môi giới cũng phải thẳng thắn khi trao đổi với khách hàng”, ông Trần Minh khuyến cáo.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét