Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

20 năm nữa Việt Nam ở đâu trên bản đồ kinh tế thế giới?

Dù đã có những thành tựu kinh tế ngoạn mục, nhưng Việt Nam vẫn còn khoảng cách rất xa so với các nước có trình độ phát triển cao hơn. Mặt khác, các quốc gia vốn đi sau Việt Nam như Lào, Campuchia… lại đang có những bước tiến mạnh mẽ. Vậy 20 năm nữa, Việt Nam có đủ sức vươn lên nấc thang kinh tế cao hơn?
Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam đã liên tục tụt giảm từ cuối những năm 90 đến nay. (Ảnh: L.BẰNG)
Thực tế thua kém
Ngày 22-1-2016, tại Đại hội Đảng XII, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI đã có một bài tham luận gây tiếng vang về vấn đề "Đẩy mạnh cải cách thể chế, hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”.
Trong bài tham luận này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã thẳng thắn chỉ ra tình trạng tụt hậu của đất nước so với những quốc gia khác có cùng xuất phát điểm như Việt Nam. “Có lẽ ít ai biết rằng đầu thế kỷ 19, năm 1820, Việt Nam đã có vị thế đáng nể trong khu vực về dân số và cả quy mô kinh tế, lớn hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại, gấp hơn 1,5 lần Thái Lan, thu nhập bình quân đầu người khi đó xấp xỉ bình quân đầu người thế giới. Còn hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của ta chỉ bằng chưa đến 1/5 mức trung bình của thế giới, bằng 1/3 Thái Lan” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu ra những con số rất đáng phải suy ngẫm.
Dù lưu ý rằng “mọi so sánh đều là khập khiễng”, nhưng Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng chỉ ra thực tế: Chúng ta cũng đã có 40 năm sống trong hòa bình, độc lập, 30 năm Đổi mới. Đây là quãng thời gian dài tương đương để các quốc gia (và vùng lãnh thổ) lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đưa nước mình từ nông nghiệp, nghèo nàn, lạc hậu trở thành quốc gia phát triển.
Những phát biểu của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thực ra không mới. Hiện trạng thua kém của đất nước so với nhiều quốc gia khác có cùng vạch xuất phát với Việt Nam đã được nhiều nhà nghiên cứu, phân tích kinh tế trong và ngoài nước chỉ ra ở rất nhiều hội thảo, hội nghị, tọa đàm.
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng: Khi Việt Nam tăng trưởng ở quy mô rất thấp thì thế giới tuy có tốc độ chậm hơn, nhưng quy mô lớn hơn, nên khoảng cách vẫn doãng ra. Năm 1990, khoảng cách về GDP bình quân đầu người tính bằng USD của Việt Nam so với thế giới là 4.000 USD thì năm 2014 khoảng cách tăng gấp đôi là 8.000 USD, dù GDP bình quân của Việt Nam đã tăng lên 2.000 USD, vì GDP bình quân của thế giới đã vượt 10.000 USD. Điều đó cũng có nghĩa là “sức mạnh kinh tế” của quốc gia không được cải thiện dù dân số đã tăng nhanh gần 2 lần. Đó là chưa kể đến các khía cạnh tụt hậu về cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, thể chế… còn khó khăn không nhỏ khi thế giới ngày càng hội nhập sâu, nguồn cân đối tài chính lại có hạn.
Mấu chốt nằm ở năng suất lao động
Thực tế, sau 30 năm Đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Theo các chuyên gia, thành tựu đạt được là do chúng ta đã chú ý đổi mới thể chế. Việc thừa nhận và vận hành nền kinh tế hàng hóa, rồi chuyển sang các nguyên tắc thị trường (quy luật giá trị, quan hệ cung cầu, cạnh tranh,…) là một bước tiến theo xu hướng chung của thời đại.  Tuân thủ các nguyên tắc thị trường dẫn đến sự định nghĩa lại các chủ thể trong nền kinh tế, trong xã hội, xác định lại các quan hệ giữa các chủ thể và từ đó có những cải cách cần thiết về thiết chế nhà nước đã tạo ra động lực, giải phóng các nguồn lực bị kìm hãm như đất đai, vốn và nguồn lao động, tạo ra sự tăng trưởng đáng kể của nền kinh tế và có những thay đổi nhất định về chính trị, văn hóa, xã hội.
Giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, tạo ra lực đẩy mới cho sự phát triển kinh tế. Do đó, đòi hỏi một thể chế phù hợp với tình hình mới là đòi hỏi tất yếu của thời đại. “Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới. Ta chấp nhận hội nhập tức là chấp nhận cạnh tranh. Nâng cao năng lực cạnh tranh là đòi hỏi sống còn” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Vậy đến năm 2035, tức sau 2 thập niên kể từ bây giờ và 50 năm sau Đổi mới, Việt Nam sẽ nằm ở đâu trên bản đồ kinh tế thế giới?
Theo nghiên cứu của TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP/đầu người với mức 6% trong giai đoạn 2015-2020 (tương đương với mức bình quân giai đoạn 2000-2011) và sau đó đạt bình quân 8% cho thời gian còn lại. Kết quả chỉ ra rằng, đến 2035, mức độ thịnh vượng trung bình của người Việt Nam vẫn còn thua xa Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, chỉ bằng gần một nửa của Nhật Bản và 1/3 so với Singapore vào thời điểm năm 2011. Coi những giả định về tăng trưởng GDP/đầu người như trên là hợp lý, tính từ năm 2015, Việt Nam phải mất lần lượt 10, 12 và 17 năm nữa để vượt qua mức Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia đã đạt được ở năm 2011.
“Nói cách khác, sau 30 năm Đổi mới, dù nhìn ở khía cạnh nào thì Việt Nam vẫn đang cách rất xa so với các nước đi trước. Nếu trong 2 thập kỷ tới, Việt Nam không có những yếu tố đột phá vượt trội thì cục diện này sẽ chẳng có gì thay đổi” – TS Trần Đình Thiên cảnh báo.
Nghiên cứu của ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy: 20 năm qua kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 5,7%/năm, cao thứ hai thế giới. Nếu Việt Nam muốn bắt kịp những nền kinh tế như Hàn Quốc, Đài Loan thì cần duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 9%/năm trong 20 năm tới. Nếu chỉ tăng trưởng trung bình 5-6%/năm, Việt Nam sẽ nằm trong bẫy thu nhập trung bình.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng: Việt Nam phải có mức tăng trưởng cao, ổn định và liên tục trong 20 năm tới, với mức tăng thu nhập bình quân đầu người 7%/năm - tương đương tăng trưởng GDP 8%/năm, để đến năm 2035 đạt thu nhập bình quân đầu người 15.000-18.000 USD. Để đạt mục tiêu này, con đường duy nhất là phải tăng năng suất lao động. Bởi thực tế, mức tăng năng suất lao động của Việt Nam đã liên tục tụt giảm từ cuối những năm 90 đến nay khiến hiện tại ở mức rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, năng suất lao động ngay trong khu vực tư nhân cũng liên tục tụt giảm, ở mức rất thấp.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons