Một gian hàng của Việt Nam tham gia hội chợ tại nước ngoài
- PV: Có ý kiến đánh giá công tác xúc tiến thương mại của Việt Nam trong những năm gần đây chưa đạt yêu cầu, quan điểm của ông? - Ông Đỗ Thắng Hải: Trong những năm qua, công tác xúc tiến thương mại đã góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước bình quân 10%/năm. Tuy nhiên, nguồn nhân lực làm công tác này cần được nâng cao cả số lượng và chất lượng. Ngoài ra, kinh phí đầu tư cho các hoạt động xúc tiến thương mại vẫn còn hạn chế so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn, kinh phí dành cho “Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia” của Việt Nam hiện nay tính trên kim ngạch xuất khẩu chỉ chiếm 0,003%. So với mức trung bình của thế giới là 0,11% (theo nghiên cứu của World Bank), con số này chỉ tương đương 1/30, và chỉ bằng 1/4 so với Bangladesh, bằng 1/10 so với Thái Lan. Tiếp đó, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác xúc tiến thương mại của chúng ta cũng còn thiếu thốn và sơ sài.
- 2016 là một năm hội nhập sâu rộng của đất nước, công tác xúc tiến thương mại sẽ phải thay đổi theo hướng nào, thưa ông?
- Hoạt động xúc tiến thương mại phải nâng cao cả về chất và lượng, triển khai phối hợp nhiều biện pháp nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp. Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và công tác thông tin xúc tiến thương mại; tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường để định hướng sản xuất đến tất cả các ngành, phân ngành; cung cấp thông tin đồng bộ, kịp thời đến đối tượng sản xuất, kinh doanh.
- Với độ bao phủ rộng của rất nhiều hiệp định thương mại tự do, chúng ta có cần tìm kiếm thêm các thị trường mới nữa không, thưa ông?
- Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia mở ra cơ hội lớn cho đất nước. Điều này không có nghĩa là chúng ta ngồi chờ cơ hội tới mà vẫn phải liên tục thực hiện các hoạt động tìm kiếm. Không chỉ là mở rộng thị trường mới mà ngay cả ở những thị trường chúng ta đã đặt chân vào thì vẫn cần tìm kiếm khách hàng mới và xây dựng chỗ đứng vững chắc. Hơn nữa, việc chỉ tập trung vào một vài thị trường nhất định sẽ dẫn đến bị phụ thuộc và không chủ động. Trong thời gian qua, bên cạnh một số thị trường xuất khẩu chủ lực ở châu Á thì tại thị trường châu Âu, châu Mỹ, châu Úc… chúng ta đã có sự gia tăng về kim ngạch xuất khẩu.
Định hướng mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới là tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Do vậy, ngoài việc củng cố các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ… chúng ta cần tìm kiếm mở rộng các thị trường xuất khẩu mới, đồng thời tăng dần tỷ trọng xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường chủ lực.
- Chúng ta dường như đang bỏ ngỏ thị trường trong khối ASEAN mà chỉ chú tâm vào việc “đánh bắt xa bờ” tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, EU..., quan điểm của ông?
- Chúng ta không bỏ ngỏ thị trường nào. Chúng ta hay nghe nói tới việc xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật, Nga.. bởi các thị trường này có kim ngạch xuất khẩu cao (xuất khẩu sang Mỹ năm 2015 đạt 32,8 tỷ USD, EU đạt 30,9 tỷ USD) do tính tương hỗ, bổ trợ của các thị trường này với Việt Nam cao. Nhưng với các nước ASEAN, nhiều mặt hàng xuất khẩu của chúng ta lại mang tính tương đồng cao.
- Thời gian tới, Bộ Công Thương có xúc tiến thương mại mạnh hơn tại các thị trường trong khối ASEAN?
- Các hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian tới sẽ được tập trung để tăng cường khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường nội địa và tận dụng lợi thế mở cửa từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Do đó, hoạt động xúc tiến thương mại sẽ không chỉ tập trung vào thị trường ASEAN, mà còn hướng tới nhiều thị trường khác.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét