Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

Nuôi cá điêu hồng trong lồng: Lớn nhanh, ít dịch bệnh

Những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên triển khai nhiều mô hình thủy sản nhằm áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đem lại hiệu quả cao. Điển hình là mô hình nuôi cá điêu hồng trong lồng.

   
Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên triển khai xây dựng "Mô hình nuôi cá điêu hồng trong lồng" thuộc dự án "Xây dựng mô hình nuôi cá lồng hồ chứa" tại 3 hộ dân thuộc xã Tân Thái, huyện Đại Từ và xã Bảo Linh, huyện Định Hóa, với quy mô 100 m3 lồng, mật độ thả 100 con giống/m3.
nuoi ca dieu hong trong long: lon nhanh, it dich benh hinh anh 1
Cán bộ khuyến nông kiểm tra tại mô hình - Ảnh: TTKNQG
Cá điêu hồng lần đầu tiên được nuôi trong lồng trên các hồ chứa nước ở tỉnh Thái Nguyên; cán bộ khuyến nông cơ sở thường xuyên đến địa điểm nuôi kiểm tra, hướng dẫn, theo dõi các chỉ tiêu kỹ thuật, sức khỏe cá trong suốt quá trình nuôi…
Cá điêu hồng ăn tạp, dễ nuôi, ít bị bệnh và có thể nuôi với mật độ cao, năng suất cao rất phù hợp cho nuôi thâm canh. Sau hơn 5 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng trung bình 0,6 g/con, tỷ lệ sống 70,3%. Thịt cá điêu hồng có chất lượng, thơm ngon, không có xương dăm...
Với giá bán tại thị trường Thái Nguyên hiện nay khoảng 40.000 đồng/kg, các hộ tham gia mô hình đã thu lãi cao (gần 450.000 đồng/m3, tương đương hơn 45 triệu đồng/100 m3).
Ông Luân Đình Tông, xóm Lải Tràn, xã Bảo Linh, huyện Định Hóa, đã nhiều năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng, với tổng diện tích lồng 100 m3. Các đối tượng cá thường nuôi là trắm cỏ, trôi, mè trắng và chép. Vài năm trở lại đây cá trắm cỏ thường hay bị bệnh và năng suất thấp. Khi tham gia mô hình, gia đình ông Tông được hỗ trợ nuôi 30 m3 cá điêu hồng trong lồng; sau khi trừ chi phí còn lãi 12 triệu đồng, cao hơn nhiều so với nuôi cá khác.
Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên tiếp tục xây dựng mô hình tại hộ ông Luân Song Hàm, xóm Lải Tràn, xã Bảo Linh. Ông Hàm cho biết, gia đình ông có cụm lồng nuôi với diện tích 120 m3, chia làm 4 ô lồng, mỗi lồng 30 m3, số lượng cá giống thả 3.000 con, cỡ 6 - 8 cm/con. Sau 5 tháng nuôi, ông Hàm thu tỉa cá lớn để bán, cỡ cá trung bình 0,64 kg/con, tỷ lệ sống ước 71%, năng suất 45,4 kg/m3, sau khi trừ chi phí lãi hơn 11 triệu đồng.
Ông Hàm thông tin, nuôi cá diêu hồng nuôi lồng sử dụng thức ăn công nghiệp nên dễ chăm sóc, vệ sinh lồng. Cá diêu hồng khi được nuôi trong lồng lớn nhanh, kích cỡ cá thu hoạch lớn, dễ thu hoạch, sản lượng tăng, thời gian nuôi ngắn nên cá ít bị dịch bệnh. Dự kiến năm tới ông Hàm tiếp tục mở rộng làm thêm lồng nuôi nữa và tập trung nuôi cá diêu hồng là chính.
Từ kết quả đạt được của mô hình cho thấy, cá diêu hồng thích hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện nuôi thủy sản tại tỉnh Thái Nguyên; nuôi cá điêu hồng trong lồng mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho các hộ nuôi. Trại Cá giống Cù Vân của tỉnh đã chủ động sản xuất được con giống đáp ứng nhu cầu nuôi cá diêu hồng của người dân.




0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons