Các địa phương trên cả nước đang khẩn trương chuẩn bị nguồn rau củ quả để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Miền Bắc: Rau củ thiếu hụt
Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), hiện cả nước có khoảng 172.000ha rau với tổng sản lượng khoảng 3 triệu tấn, đủ cung ứng cho thị trường cả nước. Thế nhưng, đợt không khí lạnh dị thường và lập kỷ lục lịch sử bất ngờ xuất hiện đã gây thiệt hại nặng nề cho nông dân miền Bắc.
Các cơ quan chức năng hiện đang thống kê thiệt hại tại các vựa cung cấp rau xanh như Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc) gần như mất trắng do bị băng tuyết phủ, nhiệt độ dưới 0°C kéo dài nhiều ngày. Chỉ riêng tại tỉnh Lào Cai, đến ngày 26 -1 đã có gần 3.000ha hoa màu bị chết. Tại khu vực đồng bằng sông Hồng, kể cả các khu vực quanh Hà Nội như Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang… nhiệt độ cũng giảm xuống 7°C - 8°C, kèm mưa rét, nên năng suất và sản lượng rau củ giảm rõ rệt.
Trước tình hình trên, Cục Trồng trọt (Bộ NN - PTNT) đã có công văn gửi các địa phương về việc trích quỹ dự phòng và hỗ trợ giống, phương tiện phòng chống rét đậm, rét hại để hỗ trợ bà con mau chóng phục hồi sản xuất rau màu, thực phẩm cho thị trường tết.
Đối với công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là trong bối cảnh nguồn cung có thể khan hiếm, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Vũ Văn Tám cho biết đã chỉ đạo sở chuyên ngành tại hai thị trường tiêu thụ thực phẩm lớn là Hà Nội và TPHCM tổ chức các điểm giới thiệu rau xanh sạch có gắn xác nhận của cơ quan chức năng để người tiêu dùng yên tâm lựa chọn. Đồng thời, các địa phương cũng cần tuyên truyền và cổ vũ các doanh nghiệp sản xuất sạch để giới thiệu tới người tiêu dùng biết và yên tâm sử dụng.
Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cuối năm nhu cầu thực phẩm tăng cao trong khi thời tiết ở miền Bắc xuất hiện rét đậm, rét hại gây bất lợi cho sản xuất, cung ứng rau màu nên giá các loại rau củ quả, chủ yếu là rau xanh tăng từ 10% - 15% nhưng cơ bản vẫn cân đối đủ.
Miền Trung: Giá rau xanh giảm mạnh
Thời gian qua, Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị đã hình thành nhiều vùng chuyên canh rau sạch. Song vấn đề đầu ra và bảo vệ thương hiệu rau an toàn vẫn còn là một khó khăn lớn đối với nông dân. Thời điểm này, nhiều hộ sản xuất rau ở địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang ra sức chăm sóc rau xanh, kiệu để kịp phục vụ dịp tết. Tuy nhiên, theo nhiều người dân cho biết, giá cả rau xanh năm nay có phần chững lại và giảm mạnh.
Tại huyện Quảng Điền, vựa rau xanh lớn nhất Thừa Thiên - Huế, với diện tích gieo trồng hàng năm từ 1.200 - 1.300ha, bên cạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, địa phương này đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học để sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP”.
Bà Nguyễn Thị Dạ Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền cho rằng, mô hình trồng rau an toàn VietGAP không những giảm được chi phí sản xuất mà còn tăng thêm thu nhập 1,5-2 lần so với trồng rau thông thường và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái…
Không lo thiếu rau sạch Đà Lạt
Nông dân Đà Lạt đang tất bật chuẩn bị hàng trăm ngàn tấn rau, trong đó có nhiều sản phẩm rau cao cấp đặc trưng của Đà Lạt để cung ứng cho thị trường Tết Bính Thân.
Tại nhà vườn của các xã viên Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào ở vùng ngoại ô TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương, người dân đang hối hả chăm sóc, thu hoạch các loại rau củ đặc trưng Đà Lạt để phục vụ thị trường tết. Theo đại diện HTX này, hiện các xã viên đang sản xuất hơn 70 loại rau, trong đó những sản phẩm chính như rau xà lách các loại, bắp cải, cà chua, ớt chuông, đậu cove Đà Lạt, đậu Hà Lan... để cung ứng cho thị trường, HTX đã chuẩn bị lượng hàng hóa cung ứng dịp tết với 12.000 tấn. Ở những địa phương có khoảng cách xa vùng rau Đà Lạt, nhiều doanh nghiệp đã chủ động vận chuyển lưu kho lạnh từ sớm để cung cấp thông suốt cho thị trường những ngày cao điểm tiêu thụ rau củ.
Ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thảo Nguyên (Lâm Đồng) cho biết, mỗi ngày công ty cung ứng cho thị trường TPHCM gần 20 tấn rau củ quả đạt chuẩn VietGAP, với khoảng 70 sản phẩm khác nhau, giá bán ổn định. Công ty hoàn toàn có thể tăng nguồn cung lên hơn 25 tấn/ngày.
Theo ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc HTX Anh Đào, thời điểm Tết Nguyên đán, lượng thực phẩm tiêu thụ sẽ cao hơn ngày thường, nên HTX đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát đầu vào ngay tại vườn để đảm bảo an toàn, quyền lợi cho người tiêu dùng. Còn ông Trần Đức Quang, Chủ nhiệm HTX rau sạch Xuân Hương (TP Đà Lạt), thì toàn bộ 7ha rau của HTX đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chứng nhận thương hiệu rau Đà Lạt, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm qua sơ chế nên các sản phẩm trước khi xuất đi tiêu thụ đều được giám sát kỹ lưỡng.
Theo đại diện các HTX chuyên cung cấp rau cho thị trường, với nguồn cung ổn định và nhiều doanh nghiệp đã chủ động ký kết cung cấp dài hạn với những nhà phân phối, nên sẽ khó xảy ra tình trạng giá rau tăng trong dịp tết.
ĐBSCL: Rau xanh dồi dào
Hiện nay, ở nhiều vùng trồng rau tại ĐBSCL, bà con nông dân đang tích cực chăm sóc rau màu để cung ứng cho thị trường dịp tết. Trên cánh đồng rau xã Tân Bình (huyện Bình Tân, Vĩnh Long), không khí lao động những ngày này rất nhộn nhịp. Theo bà con, năng suất rau dự báo sẽ tăng so với năm trước, bảo đảm đủ cung cấp cho thị trường trước, trong và sau tết.
Tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, cánh đồng trồng rau rất đa dạng các loại như: húng, quế, hành, ngò, xà lách, cải ngọt… Theo ông Võ Văn Hiếu, Phó Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Phước Hậu (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), lượng rau ở đây đủ cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện giá rau đang nhích lên một ít, hy vọng trong dịp tết này rau sẽ được giá.
Tại An Giang, chương trình sản xuất rau, thực phẩm an toàn gắn với việc xây dựng mạng lưới tiêu thụ rau, thực phẩm an toàn, nhằm cung cấp nguồn rau, thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng bước đầu đã đạt hiệu quả.
Theo bà Đinh Thị Việt Huỳnh, Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh An Giang, rau màu là 1 trong 8 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh với 1.948ha rau an toàn hiện có, tập trung chủ yếu ở 3 huyện, thị là Chợ Mới, thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc.
Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, Công ty TNHH MTV Thương mại - Dịch vụ Phan Nam đã đầu tư dự án “Sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn”, mở cửa hàng tiêu thụ nông sản an toàn ở thành phố Long Xuyên. Đặc biệt, công ty này còn làm đầu mối tiêu thụ rau an toàn cho nông dân, với giá cao hơn giá thị trường thu mua từ 1.500 - 2.000 đồng/kg; cung cấp sản phẩm rau, thực phẩm sạch, an toàn cho các chợ đầu mối, các nhà hàng, trường học trên địa bàn và các tỉnh, thành lân cận, góp phần nâng cao nhận thức và bảo vệ sức khỏe người dân.
Năm nay, nông dân Bạc Liêu xuống giống hơn 12.200ha hoa màu phục vụ tết. Các loại rau màu trồng xen canh (như cải xanh, cải ngọt, cải rổ, rau thơm, rau quế…) bắt đầu cho thu hoạch, giá dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, riêng ớt giá từ 15.000 - 25.000 đồng/kg.
Tại các hệ thống siêu thị ở TPHCM, nguồn cung rau đạt chuẩn VietGAP vẫn dồi dào. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, rau củ quả là một trong 9 nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm được đưa vào danh mục bình ổn giá, đơn vị đã tiến hành chốt giá bán trong 2 tháng tết (kể từ ngày 8-1 đến 8-3-2016) nên giá bán mặt hàng này sẽ không có sự thay đổi.
Để đảm bảo nguồn hàng, ngay từ quý 4-2015, Saigon Co.op đã hoàn thành việc ứng vốn, tập huấn quy trình sản xuất, rồi hỗ trợ sau thu hoạch và bao tiêu sản phẩm cho các đối tác như HTX Thỏ Việt, Anh Đào, Thảo Nguyên, Phong Thúy, Phú Lộc, Ngã Ba Giồng… Hiện nay, tất cả các loại rau củ quả đều được chuẩn bị sẵn sàng, đảm bảo cung ứng kịp thời cho nhu cầu tiêu dùng dịp tết.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét