Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Thị trường bán lẻ, DN nội bị DN nước ngoài “lấn lướt”

Những năm gần đây, cùng với sự hồi phục chung của nền kinh tế đất nước, ngành thương mại bán lẻ Việt Nam nhất là thương mại hiện đại cũng có những bước phát triển đáng khích lệ. Nhưng trước sự xâm nhập mạnh mẽ và lấn lướt của các DN nước ngoài, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị TP Hà Nội nhận định, các DN bán lẻ nội địa đang rơi vào tình thế cạnh tranh… không khoan nhượng.
Ngành thương mại bán lẻ tại Việt Nam, đặc biệt là thương mại hiện đại đang có những diễn biến như thế nào thưa ông?
Tính đến cuối 2014 đã có hàng chục nhà đầu tư các nước tham gia vào lĩnh vực phân phối hiện đại vào Việt Nam như Metro (Đức), BigC (Pháp), AEON (Nhật), Lotte (Hàn Quốc), Parkson (Malaysia), Robinson (Thái Lan), một số nước khác cũng đang thăm dò để đầu tư như: Tập đoàn Walmart (Mỹ), Emart (Hàn Quốc)… Ở trong nước, ngoài các tên tuổi đã sẵn có thương hiệu như Hapro, Intimex, Coopmart, Fivimart, Citimart, gần đây có nổi lên sự đầu tư mạnh mẽ và nhanh chóng, chiếm lĩnh mạng lưới bán lẻ là tập đoàn Vingroup với các chuỗi siêu thị Vinmart. Vingroup còn đầu tư cả sản xuất rau sạch ở khu vực lân cận để cung cấp cho chuỗi siêu thị của mình.
Ông cho biết “tương quan” cạnh tranh giữa các DN nước ngoài với DN nội địa như thế nào?
Hiện nay cả nước có 750 siêu thị, 150 trung tâm thương mại, về doanh số bán lẻ, kinh tế Nhà nước chiếm khoảng 10%, tư nhân chiếm khoảng 86%, DN FDI (vốn đầu tư nước ngoài) khoảng 4%. Điều cần lưu ý là tuy các điểm bán của DN FDI mới chiếm một lượng khiêm tốn là 90 điểm trên tổng số siêu thị trong cả nước, song do quy mô lớn nên doanh số bán ra 1 điểm của họ gấp 3-4 lần, thậm chí đến 7-8 lần so với 1 điểm của các siêu thị nội địa (cả tư nhân và Nhà nước). Đó là điều mà các nhà quản lý chính sách phát triển thị trường bán lẻ hiện đại của Việt Nam và các DN bán lẻ Việt Nam cần lưu tâm. Như vậy, thị phần bán ra của các điểm bán các doanh nghiệp FDI dự đoán đạt 30 -35% thị phần trong giai đoạn hiện nay, 2/3 còn lại là thị phần của các DN siêu thị nội địa. 
Sự xâm nhập mạnh mẽ của các DN bán lẻ nước ngoài, đang đặt các DN nội địa vào tình thế… bị lấn lướt.
    Ảnh minh họa
Hiện tượng các DN bán lẻ nước ngoài “nhòm ngó” thị trường Việt Nam phản ảnh điều gì thưa ông? 
Sự thâm nhập mạnh mẽ và nhanh chóng bằng nhiều con đường của các nhà bán lẻ nước ngoài là xu hướng tất yếu của quá trình Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Một xu hướng phát triển mạnh trong thời gian vừa qua cần đề cập tới, đó là các phi vụ mua bán (M&A) giữa nhà bán lẻ nước ngoài với các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam. Họ mua một phần như: AEON mua 49% của Citimart và 30% của Fivimart; Central Group của Thái Lan mua 49% của điện máy Nguyễn Kim; Nojima nắm giữ 31% cổ phần của điện máy Trần Anh. Dự kiến trong năm 2016 và một số năm tiếp theo, M&A vẫn còn tiếp tục sôi động với sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài và một số ít của các nhà đầu tư trong nước vào cả lĩnh vực phân phối và cả lĩnh vực sản xuất, dịch vụ.
Hiện tại, chúng ta đang thấy rất rõ trong khi chỉ có một số ít các nhà bán lẻ Việt Nam còn tiếp tục trụ vững và phát triển như Coopmart; Vingroup; còn lại đa số các thương hiệu nội về bán lẻ hiện đại, phần thì bán bớt cổ phần hoặc hợp tác kinh doanh, phần thì rút bớt địa điểm do làm ăn khó khăn hoặc thua lỗ vì nhiều lý do khách quan và chủ quan gây nên. Một phần khác co cụm lại, ít phát triển để củng cố thương hiệu, trụ vững ở thị trường, chấp nhận cạnh tranh với các DN nước ngoài. 
Ông Vũ Vinh Phú:“Chính phủ có thể hỗ trợ địa phương xây dựng một số tập đoàn bán lẻ hiện đại đủ sức cạnh tranh trên thị trường với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang kinh doanh ở Việt Nam.”    Ảnh: L.Giang
Theo ông, lý do gì khiến các DN đầu tư nước ngoài vừa “chân ướt chân ráo” đến thị trường Việt Nam, lại khiến các DN nội địa lâm vào tình cảnh “khó khăn”?  
Các DN bán lẻ nước ngoài có kinh nghiệm kinh doanh lâu năm, họ có thương hiệu, tiềm lực tài chính mạnh, họ sẵn sang chịu lỗ vài năm để tiếp tục đầu tư mở rộng chuỗi phân phối với tốc độ nhanh hơn, quy mô lớn hơn, hiện đại hơn so với các DN của chúng ta. Họ đảm bảo các tiêu chuẩn hàng hóa chất lượng kinh doanh, nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm chuẩn mực hơn, giá bán ngày càng giảm, do họ vận doanh theo chuỗi, họ có chiến lược giá rẻ, khuyến mại liên tục, mạnh mẽ, nhãn hàng riêng siêu thị tiếp tục phát triển; 
Họ chỉ có một điểm yếu, đó là chưa tìm hiểu đầy đủ các tập quán tiêu dùng của người Việt Nam, một chút khó khăn về kiểm tra nhu cầu kinh tế ENT (việc cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào tình hình thực tế để xem xét có cấp phép mở từng cơ sở bán lẻ cho DN nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay không trừ cơ sở bán lẻ thứ nhất). Tuy nhiên họ đã khắc phục những điểm yếu đó bằng nhiều cách, bằng chứng là dù có kiểm tra nhu cầu kinh tế ENT song bằng việc nhanh chóng mua lại cổ phần của các nhà bán lẻ trong nước, mặc nhiên họ đã có sẵn trong tay một hệ thống mạng lưới tốt mà các DN Việt Nam một hai chục năm qua đã dày công gây dựng. 
Tại sao trong khi DN bán lẻ ngoại lấn lướt thì DN bán lẻ nội lại dè dặt và yếu thế hơn như vậy? 
Thứ nhất, bán lẻ Việt Nam hiện chưa có chiến lược đầy đủ, cả ở 3 cấp Nhà nước, ngành và doanh nghiệp. Vốn liếng quá nhỏ bé, vốn tự có của các siêu thị nội chỉ đủ 15-20% nhu cầu kinh doanh, lớn như Saigon Coop chỉ có 1.000 tỷ đồng vốn tự có. Chính vì vậy, họ khó đầu tư vào việc thu mua hàng hóa một cách trực tiếp của sản xuất - hàng hóa qua quá nhiều khâu trung gian bất hợp lý mới đến được quầy kệ của siêu thị nội; 60 - 70% các siêu thị nội phụ thuộc hầu hết vào vốn vay ngân hàng với lãi suất cao hơn so với việc các DN nước ngoài vay của Cty mẹ từ 4-5%. Điều này lý giải tại sao giá cả của các siêu thị nội thường cao hơn giá của các siêu thị ngoại trên thị trường. 
Thứ hai, nhân lực điều hành kinh doanh các siêu thị nội chưa được đào tạo chuyên ngành bán lẻ. Vì vậy công tác quản trị doanh nghiệp còn yếu, năng suất lao động thấp và phục vụ thiếu chuyên nghiệp. Văn hóa kinh doanh, phục vụ khách hàng còn yếu, ít chăm lo đến công tác xây dựng thương hiệu bán lẻ theo đúng nghĩa. 
Thứ ba, tính cố kết cộng đồng người Việt trong kinh doanh còn rất yếu, không bền vững, dễ bị phá vỡ. Mạnh ai người đó thu mua hàng hóa để tổ chức bán ra, sự phối hợp điều chỉnh hỗ trợ trong thu mua và trong bán ra của các DN nội chưa có gì rõ nét, vẫn còn “manh mún” ít hợp sức với nhau, do vậy không tạo thành sức mạnh tổng hợp chung, kể cả các DN đã tham gia vào các hiệp hội. Cá biệt, một số siêu thị lớn có mối quan hệ với nhà cung ứng hàng hóa chưa bình đẳng như đòi hỏi chiết khấu cao, có khi lên tới 20-30% và một số chi phí khác làm cho hàng hóa tự đẩy giá lên cao, khó cạnh tranh, người tiêu dùng theo đó bị thiệt thòi, người sản xuất không được hưởng lợi nhuận một cách hợp lý; hàng ngon, hàng đẹp  đủ tiêu chuẩn lại rất khó vào siêu thị để phục vụ nhân dân… Đây lại chính là những cơ hội tốt cho sự lấn lướt của hàng ngoại, ảnh hưởng đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Về cạnh tranh công bằng trên thị trường, ông có nhận thấy điều gì đáng lưu ý hay không? 
Các DN kinh doanh làm ăn nghiêm túc thì giá sản phẩm bán ra thường cao hơn, khó cạnh tranh với những sản phẩm của các DN làm ăn gian dối. Hàng lậu, hàng giả tràn lan trên thị trường chưa được giải quyết một cách cơ bản, người làm ăn nghiêm túc thiệt thòi, gian thương thu lợi bất chính. Về chi phí lưu thông, ngoài các chi phí chung mà các DN kinh doanh siêu thị phải thực hiện thì còn phải chịu các chi phí khác khá tốn kém, không đáng có ví dụ như: tiếp cận đất đai khó khăn khi mở chuỗi siêu thị, các thủ tục hành chính phiền hà, mất thời gian, chi phí mặt bằng bị đẩy lên một cách vô lý, chi phí kho vận logistic cao hơn các nước trong khu vực và các chi phí khó nói khác. 
Ông cho biết, “giải pháp” gì để phát triển một nền công nghiệp bán lẻ hiện đại của Việt Nam trong tương lai? 
Ở góc độ quản lý Nhà nước, cần tạo môi trường kinh doanh thương mại minh bạch, công khai, bình đẳng và thông thoáng cho các DN kinh doanh bán lẻ trên thị trường. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát hợp lý, tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế Việt Nam. Tiếp tục xây dựng các bộ luật liên quan đến bán lẻ, bổ sung điều chỉnh các dự luật đã có cho phù hợp với tình hình mới như: Luật Bán lẻ, Luật Cạnh tranh, Luật Chống độc quyền; Có những chính sách phù hợp, không vi phạm các cam kết quốc tế để hỗ trợ các DN nội địa kinh doanh bán lẻ, hỗ trợ liên doanh liên kết giữa sản xuất và phân phối, giữa phân phối và phân phối, liên kết vùng. Thực thi pháp luật một cách nghiêm minh, khuyến khích các DN làm ăn nghiêm túc. Chính phủ có thể hỗ trợ một số địa phương xây dựng một số tập đoàn bán lẻ hiện đại đủ sức cạnh tranh trên thị trường với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang kinh doanh ở Việt Nam. 




0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons