Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

Trung Quốc “xuất khẩu khủng hoảng” sang Việt Nam

Công ty chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS) vừa phát đi nhận định, với sự giảm sốc của nền kinh tế, Trung Quốc có thể “xuất khẩu khủng hoảng” sang Việt Nam.

trung quoc co the xuat khau khung hoang sang viet nam
Ảnh minh họa.
Theo VCBS, năm 2015, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã vượt kỳ vọng, GDP ước tăng 6,68%, cao hơn con số dự báo 5,98% và là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, VCBS cũng chỉ ra rằng, các lĩnh vực sản xuất và khu vực công nghiệp-những khu vực đã bám sát, thể hiện rõ nhất đà phục hồi, phát triển của nền kinh tế-dù có mức tăng trưởng tốt nhưng lại không đồng đều. Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục nổi trội và là đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng. Những ngành sản xuất có chỉ số tăng cao chủ yếu là ngành nhận được vốn FDI lớn như sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính, quang hoạc; sản xuất xe có động cơ; sản xuất da và các sản phẩm liên quan và dệt.
Về xuất nhập khẩu, sau 3 năm xuất siêu liên tiếp, năm 2015, Việt Nam đã nhập siêu trở lại với giá trị nhập siêu ước đạt 3,2 tỉ USD. Điều này thể hiện ở chỗ, trong khi kim ngạch xuất khẩu của khối FDI tăng 13,8% thì khối doanh nghiệp trong nước lại giảm 3,5%. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của khối FDI tăng 16,4% và khối doanh nghiệp trong nước chỉ tăng 6,4%.
“Sự chênh lệch rõ rệt về tăng trưởng xuất, nhập khẩu giữa 2 khối là một yếu tố cho thấy sự phân hóa trong lĩnh vực sản xuất. Bên cạnh đó, việc tăng trưởng xuất khẩu suy giảm một phần do giá cả hàng hóa nguyên liệu ở mức thấp, đặc biệt là dầu thô. Và mặt khác cho thấy hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhất là của các doanh nghiệp nội địa , đang chịu áp lực cạnh tranh lớn trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc và việc giảm giá mạnh đồng nội tệ của nhiều quốc gia trên thế giới”-VCBS đưa quan điểm.
Từ thực tế trên, VCBS cho rằng, trong năm 2016, trong khi các doanh nghiệp trong nước nhiều khả năng sẽ phải tiếp tục đối mặt với khó khăn và là khối nhập siêu thì ngược lại, các doanh nghiệp FDI được kỳ vọng sẽ là động lực chính thúc đẩy xuất khẩu và là khối xuất siêu. Điều này được thể hiện ở vốn FDI đăng ký và giải ngân đều tăng mạnh trong năm 2015 (lần lượt 12,5% và 17,4% so với năm 2014) và khối FDI đã và đang mở rộng quy mô sản xuất, đặc biệt là những tập đoàn lớn như Samsung.
Vì vậy, VCBS dự báo cán cân thương mại năm 2016 sẽ thâm hụt khoảng 2-3 tỉ USD.
Ngoài ra, việc giá cả hàng hóa nguyên liệu, đặc biệt là giá năng lượng ở mức thấp được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng kích cầu nhất định. Và điều này có thể còn được cộng hưởng hơn nữa do tính chất tiêu dùng theo mùa vụ trong những tháng đầu năm với tác động của Tết Nguyên đán. Nhưng ở chiều ngược lại, tâm lý tiêu dùng có thể sẽ còn chịu tác động xấu trước những biến động lớn trên thị trường thế giới, đặc biệt là diễn biến xấu của nền kinh tế Trung Quốc cùng khả năng tiếp tục giảm giá mạnh của đồng Nhân dân tê.
“Chúng tôi không kỳ vọng vào khả năng bức phá cảu cầu tiêu dùng trong năm 2016”-VCBS đưa nhận định.
Đối với việc kết thúc đàm phán TPP, theo VCBS là đang mở ra cơ hội lớn với Việt Nam, đặc biệt là dưới góc độ mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu (khối TPP chiếm khoảng 40% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam những năm gần đây); tăng cường mạnh mẽ thu hút vốn đầu tư và thúc đẩy việc tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng lành mạnh, hiệu quả và minh bạch hơn. Trong đó 2 yếu tố đầu tiên được VCBS nhận định là động lực cho đà phcuj hồi và tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam những năm gần đây. Tuy nhiên, để đi đến ký kết chính thức là một quá trình tương đối dài nên những tác động tích cực từ TPP sẽ chỉ dần thể hiện sớm nhất vào nửa cuối năm 2016.
Cũng theo VCBS, kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ và có độ mở lớn nên sẽ khá nhạy cảm với những biến động trên thị trường thế giới. Quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc là khá lớn. Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và kim ngạch xuất khẩu vẫn đang có xu hướng tăng. Trong năm 2015, giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 49,3 tỉ USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng 12,9% so với năm 2014. Trong khi đó về xuất khẩu, Trung Quốc tiếp tục đứng thứ 4 về thị trường xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 17 tỉ US, tăng 13,8% so với năm 2014.
Chính bởi thực tế trên, nên với những tín hiệu khá rõ về sự giảm tốc của nền kinh tế, theo VCBS, Trung Quốc có thể “xuất khẩu khủng hoảng” sang những quốc gia khác, đặc biệt là những nước có quan hệ thương mại lớn và gần gũi về mặt địa lý, trong đó có Việt Nam.




0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons