Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Đấu thầu Việt Nam và khái niệm “chẳng giống ai”

“Khái niệm “chỉ định thầu” trong Luật Đấu thầu của Việt Nam chẳng giống ai, đã “chỉ định” sao còn gọi là “đấu”?”...

Đấu thầu Việt Nam và khái niệm “chẳng giống ai”

“Khái niệm “chỉ định thầu” trong Luật Đấu thầu của Việt Nam chẳng giống ai, đã “chỉ định” sao còn gọi là “đấu”?”.

Đó là ý kiến của ông Ninh Viết Định, Trưởng ban Đấu thầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại hội thảo “Rà soát pháp luật đấu thầu Việt Nam với các cam kết về mua sắm công trong Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA)” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc Ailen tại Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 27/1.

Chưa có cam kết quốc tế về mua sắm công

Theo báo cáo rà soát đưa ra tại hội thảo cho thấy, có khoảng 2/3 điểm vênh nhau như các cam kết về sử dụng phương tiện điện tử, lý do lựa chọn nhà thầu, giá gói thầu, thời hạn tối thiểu để nộp hồ sơ thầu, điều kiện tham dự thầu…

Riêng các cam kết riêng mang tính đặc thù của EVFTA về yêu cầu mở cửa thị trường thì khó khả thi đối với pháp luật đấu thầu Việt Nam.
 
Các cam kết về cạnh tranh, minh bạch cũng khó thực hiện do chi phí tuân thủ cao.

Báo cáo kiến nghị phải xây dựng những văn bản riêng cho các cam kết đặc thù mà Việt Nam phải tuân thủ theo quy định của EVFTA, hoặc cho các cam kết chưa thể thực thi trên diện rộng.

Ngoài ra, cần sửa đổi pháp luật đấu thầu nói chung, cho phù hợp với thực tiễn hội nhập và vì lợi ích của doanh nghiệp.

“Việt Nam chưa đưa ra bất kỳ cam kết quốc tế nào về mua sắm công, nên pháp luật đấu thầu của Việt Nam cũng chưa chịu bất kỳ ràng buộc hay giới hạn nào", bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) nói. 

“Tuy nhiên, cần thiết phải xác định những điểm khác biệt để có sự điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp và theo hướng có lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khắc phục nguy cơ “vênh” giữa pháp luật đấu thầu Việt Nam so với các cam kết mua sắm công theo EVFTA”.

Đánh giá về Luật Đấu thầu (sửa đổi năm 2013)  so với các thông lệ quốc tế về đấu thầu mà Việt Nam tham gia, bà Trang cho rằng, luật đã cơ bản thực hiện các nguyên tắc minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả liên quan tới một số quy định như thông báo mời thầu, hồ sơ mời thầu, thông tin sau khi trao hợp đồng, trình tự thực hiện hay thủ tục đấu thầu…

“Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả, vẫn cần có các quy định chi tiết hơn nữa, để rút ngắn khoảng cách giữa thực tế thực thi với các quy định pháp luật”, bà Trang nhấn mạnh.

Đấu thầu phải công bằng
Ông Ninh Viết Định, Trưởng ban Đấu thầu EVN cho rằng đây chỉ là những điểm vênh về khái niệm. Như việc phải bỏ hẳn khái niệm “chỉ định thầu” trong Luật Đấu thầu bởi nó không giống với bất kỳ hình thức nào theo thông lệ quốc tế.

Thay vào đó, quy định một quy trình mở để đấu thầu hạn chế mời một hoặc một số nhà thầu đề xuất và thương thảo để có hình thức lựa chọn phù hợp.

“Thực tế luật và điều kiện tại Việt Nam hiện chưa thực sự tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, do đó cần có những quy định về kiểm soát nhà thầu nước ngoài, quy định phải liên danh giữa nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước, quy định tính độc lập giữa nhà thầu và các đối tượng khác tham gia trong quy trình đấu thầu nhằm tránh các xung đột...”, ông Định lưu ý.
 
Ông Ngô Minh Hải, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Nhà nước cũng cho rằng: “Trong 8 hình thức lựa chọn nhà thầu được quy định theo luật, thì chỉ có một hình thức là đấu thầu cạnh tranh - đấu thầu rộng rãi, còn lại là hình thức lựa chọn nhà thầu có điều kiện. Do đó cần có quy định cụ thể với mỗi hình thức lựa chọn nhà thầu để đảm bảo dễ dàng thực thi và thống nhất trong quá trình thực hiện”.

“Việt Nam cần có thêm các quy định về mở cửa thị trường trong hoạt động đấu thầu quốc tế. Quy định về đấu thầu trong nước cũng cần phải được mở và điều chỉnh để cho phép sự tham gia của các nước trong khu vực, cũng như thành viên của EVFTA…”, ông Trần Trung Kiên, chuyên gia đấu thầu của Ngân hàng Thế giới (WB) góp ý.

Cũng theo ông Kiên, các quy định về đấu thầu phải tạo nên môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau mà còn giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons