Thời gian gần đây, khi những người dân tại huyện Bảo Lâm và xã Đam Bri, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng bắt đầu ồ ạt thu hái hàng chục ha chè ô long cao cấp thì giá thị trường bỗng bất ngờ sụt giảm. Thương lái không còn tới mua chè khiến người dân điêu đứng, nhiều hộ phải dùng máy, cắt ngang những ngọn chè để bán với giá bèo.
Ghi nhận tại xã Đam Bri (TP.Bảo Lộc) và vùng trồng chè Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) nhiều hộ dân đang “ôm” những gốc trà đang trong kỳ thu hoạch của mình mà khóc ròng.
Bà Đinh Thị Sáu (ngụ thôn 12, xã Đam Bri, TP. Bảo Lộc) đứng nhìn gần 2 sào trà của gia đình nức nở nói: "Chúng tôi trồng hơn một năm rưỡi mới có những cây chè tốt và những lá chè đúng chất lượng. Số vốn bỏ ra cả hàng chục triệu đồng. Những tưởng, năm nay sẽ bán được chè với giá tốt, những ngày ắc tết để có thêm thu nhập. Nhưng ai nào ngờ tới hôm nay giá chè bất ngờ xuống thấp, không một thương lái nào tới thu mua hàng của nông dân chúng tôi”.
“Cả 3 lứa trở lại đây chè hái rồi không biết bán cho ai, những công ty thường xuyên thu mua trước đây cũng ngưng thu, dân chúng tôi phải bán tháo với giá rẻ để vớt vát lại” bà Sáu cho biết thêm.
Gía chè sụt giảm, người dân cắt ngang ngọn bán với giá rẻ
|
Ông Phi (hộ nông dân trồng chè khác ở xã Lộc Tân cũng đang điêu đứng vì số chè ô long gia đình trồng bất lâu nay tới ngày thu hoạch không có người thu mua. Do đổ vốn vào chăm sóc, tới giờ nợ nần chồng chất, nhưng chè không ai thu mua, ông phải bán chè búp tươi để trang trải.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đam Bri (TP Bảo Lộc) cho biết: Toàn xã hiện có gần 160ha chè ô long. Trong đó, diện tích nhỏ lẻ trong dân khoảng 15ha. Hiện việc tiêu thụ sản phẩm chè ô long đối với người dân gặp rất nhiều khó khăn vì giá cả xuống thấp, nơi tiêu thụ không ổn định, thị trường tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào các công ty chế biến.
Không chỉ những hộ trồng chè ô long nhỏ lẻ bị ảnh hưởng, ngay cả những công ty trồng với quy mô lớn và có hợp đồng tiêu thụ với các nhà máy chế biến cũng chịu chung số phận.
Nhiều doanh nghiệp lao đao vì chè ô long thành phẩm còn tồn kho nhiều
|
Cũng tại điểm trồng chè ô long Cầu Đất (TP. Đà Lạt), hàng trăm người dân nơi đây cũng đang thấp thỏm vì hai trong bốn công ty sản xuất chè tại đây rơi vào cảnh khó khăn. Trong khi đó Công ty TNHH Hà Linh (xã Trạm Hành, TP Đà Lạt, do nữ doanh nhân Hà Linh làm chủ gặp nạn nên mọi hoạt động dường như ngưng trệ.
Trao đổi với bà Lê Thanh Định - Phó giám đốc Công ty Fusheng (Lâm Đồng) chuyên sản xuất chè ô long thành phẩm. Bà cho biết, hiện công ty đang tồn kho tới 70 tấn chè, lý do là đối tác phía Đài Loan thông báo dừng mua đột xuất từ tháng 4 khiến công ty gặp rất nhiều khó khăn.
Theo tìm hiểu, những năm qua thị trường chè ô long cao cấp là mặt hàng được ưa chuộng và giá cả rất hợp lý. Số lượng nông sản làm ra đều được tận thu. Thị trường chủ yếu nhập loại hàng trên là Đài Loan (chiếm tới 90%). Trong đó gần 30 doanh nghiệp đăng ký sản xuất chè ô long tại Lâm Đồng thì có tới 24 doanh nghiệp Đài Loan.
Một số hộ dân trồng chè tới vụ thu hoạch, không được giá vẫn phải hái để bán với giá rẻ
|
Nói về những khó khăn mà ngành chè đang gặp phải, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc xuất khẩu trà ô long gặp khó trong thời gian dài gần đây xuất phát từ tin đồn thất thiệt tại Đài Loan. Họ nói rằng chè ở Lâm Đồng nhiễm chất độc, lượng tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật vượt mức quy định khiến uy tín của ngành chè bị giảm sút. Trong khi đó, giữa các doanh nghiệp Đài Loan sản xuất chè tại Lâm Đồng và các doanh nghiệp sản xuất chè tại Đài Loan có sự cạnh tranh lẫn nhau.
Trước mắt, Sở NN&PTNT Lâm Đồng đang có công văn đề nghị các doanh nghiệp mua chè trả chậm cho dân. Đồng thời công ty có giải pháp ứng trước thuốc, phân bón... cho người dân yên tâm sản xuất. Chúng tôi sẽ sớm đề xuất một cuộc gặp giữa UBND tỉnh Lâm Đồng với Phòng kinh tế Đài Bắc tại TP.HCM cùng Chi hội chè Đài Loan ở Lâm Đồng để tìm hướng ra cho vụ việc bế tắc trên.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét